Các cuộc thanh tra qua lại đã bị ngừng nhằm ngăn chặn virus lây lan kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát. Tuy nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao Nga ngày 8-8 nêu thêm lý do khiến Moscow không muốn khởi động lại quá trình này.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định các biện pháp trừng phạt do Washington áp đặt để phản ứng chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine khiến giới thanh tra Nga không thể đến Mỹ.

“Thanh tra Mỹ không gặp những trở ngại tương tự khi đến Nga” – Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, đồng thời cho biết Moscow đã nêu vấn đề với những quốc gia liên quan nhưng không nhận được câu trả lời.

Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của báo The Guardian. Một phát ngôn viên của cơ quan này khẳng định: “Mỹ cam kết thực hiện Hiệp ước New Start nhưng chúng tôi sẽ không công bố thông tin thảo luận giữa các nước liên quan đến việc thực thi hiệp ước”.

Ảnh chụp tên lửa hạt nhân RS-24 Yars của Nga ở thủ đô Moscow hồi 2020. Ảnh: EPA

Hiệp ước New Start giới hạn đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi nước xuống còn 1.550, đồng thời áp đặt các hạn chế liên quan đến hệ thống triển khai. Hiệp ước này được Moscow và Washington ký gia hạn 5 năm hồi tháng 2-2021.

New Start là hiệp ước kiểm soát vũ trang duy nhất còn sót lại giữa Nga và Mỹ. Các điều khoản thanh tra và xác minh hạt nhân trong New Start được xem là yếu tố quan trọng đối với nỗ lực củng cố niềm tin chung và ngăn chặn tính toán hạt nhân sai lầm.

“Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng, mọi động thái làm suy yếu tính ổn định và khả năng dự đoán hạt nhân đều gây lo ngại” – ông John Wolfsthal, một quan chức cấp cao dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, khẳng định.

Theo báo The Guardian, mặc dù các cuộc thanh tra giữa 2 nước đã bị ngưng, các lực lượng hạt nhân Nga vẫn thực thi một điều khoản quan trọng trong Hiệp ước New Start: Thông báo mọi động thái hoặc những thay đổi hiện trạng liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của họ cho Mỹ.

New Start là hiệp ước kiểm soát vũ trang duy nhất còn sót lại giữa Nga và Mỹ. Ảnh: Reuters


Cao Lực