Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ quyết định rút khỏi đảo Rắn như một “cử chỉ thiện chí” nhằm chứng tỏ Moscow không cản trở nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc mở hành lang nhân đạo cho phép vận chuyển ngũ cốc từ các cảng của Ukraine.

Nga cho biết thêm quân đội Ukraine vẫn chưa dỡ bỏ thủy lôi ngăn tàu bè rời khỏi các cảng ở biển Đen. 

Tuy nhiên, Ukraine tuyên bố đã “đánh đuổi lực lượng Nga sau một trận pháo kích và đợt tấn công lớn vào tối 29-6”. Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, thông báo trên mạng xã hội Twitter: “Không còn quân đội Nga trên đảo Rắn nữa. Lực lượng vũ trang của chúng ta đã làm một điều tuyệt vời”.

Đảo Rắn. Ảnh: Wikimedia

Bộ chỉ huy quân sự phía Nam của Ukraine chia sẻ một bức ảnh được cho là chụp đảo Rắn từ trên cao lên mạng xã hội Facebook với ít nhất 5 cột khói đen khổng lồ bốc lên.

Đảo Rắn – có diện tích vỏn vẹn 0,17 km2 – nằm trên tuyến đường biển đến Odesa, cảng ở biển Đen chính của Ukraine. Nơi này cách Odesa khoảng 140 km về phía Nam. Nga kiểm soát hòn đảo này vào giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt – phát động hôm 24-2. Thời điểm đó, đảo Rắn chỉ có một binh sĩ Ukraine canh gác.

Trong những tháng qua, Ukraine cố gắng chiếm lại đảo Rắn nhưng không thành công và bị mất một số máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và binh sĩ.

Hồi tháng trước, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng nếu Nga có thể bám trụ đảo Rắn, đồng thời củng cố bằng hệ thống phòng không và tên lửa hành trình thì nước này có thể thống trị vùng biển phía Tây Bắc biển Đen.

Theo Reuters, đảo Rắn nằm trong tầm bắn của hệ thống pháo phản lực HIMARS được Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine. 

“Việc Ukraine nhận được tên lửa chống hạm Harpoon và HIMARS khiến lực lượng Nga trên đảo Rắn đối mặt với nguy cơ bị tấn công ngày càng tăng” – thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (trụ sở ở Mỹ) Rob Lee viết trên Twitter.


Phạm Nghĩa