. Bạn đọc TƯƠNG QUAN:

Dạy trẻ tình yêu thương con người

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc chứng kiến cảnh cha mẹ, những người thân trong gia đình đánh nhau, cãi nhau thường xuyên sẽ khiến tâm lý trẻ bị tổn thương; trẻ cũng sẽ học và làm theo người lớn, dễ trở nên cáu gắt, hung hăng.

Hơn thế nữa, trẻ vị thành niên đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và nhân cách, chưa biết các ứng xử giải quyết các tình huống, chưa tự làm chủ bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào những việc sai trái, vi phạm pháp luật…

Để ngăn ngừa mầm mống bạo lực, ngay từ trong gia đình, cha mẹ cần định hướng, động viên, khuyến khích trẻ làm điều tốt, giáo dục ý thức chống bạo lực. Khi trẻ phạm phải lỗi lầm, cha mẹ cần tìm hiểu bản chất vấn đề, tìm ra nguyên nhân và biện pháp để giải quyết hợp lý, hợp tình, tránh vội vàng, võ đoán. Bên cạnh đó, tạo điều kiện tốt cho trẻ tham gia hoạt động xã hội để rèn luyện kỹ năng ứng xử.

Đừng vẽ vào tâm hồn tinh khôi, thơ ngây của trẻ bằng những gam màu tối của bạo lực gia đình. Hãy gieo vào tâm hồn trẻ tình yêu thương con người, những điều thiện, cách ứng xử có văn hóa… Khi người trẻ biết sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội thì sẽ hạn chế được nguy cơ phạm tội.

. Bạn đọc NGUYỄN ĐƯỚC:

Một điều nhịn, chín điều lành

Để kéo giảm lối hành xử có tính chất côn đồ, bạo lực, trước hết hãy dạy trẻ lòng nhân ái, bao dung, tính vị tha, biết quan tâm, giúp đỡ người khác…

Gia đình được coi là tế bào của xã hội. Cha mẹ, ông bà, người lớn trong gia đình cần là tấm gương tốt thể hiện qua những hành động cụ thể. Khi có xung đột, mâu thuẫn, dung hòa và giải quyết với nhau trên tinh thần hiểu biết, cảm thông, chia sẻ, bao dung và thượng tôn pháp luật. Chắc chắn những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có văn hóa và có nền tảng giáo dục tốt sẽ rất hiếm khi sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến tới kiểm soát chặt chẽ những nội dung văn hóa, phim ảnh mang tính chất bạo lực, đầy rẫy cảnh chết chóc, đồng thời có sự giới hạn độ tuổi nhất định có thể xem. Xử phạt nghiêm các trang mạng xã hội, chủ tài khoản cá nhân các trang mạng xã hội đăng tải nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn, có xu hướng cổ xúy cho lối sống bạo lực. Pháp luật nhà nước cũng cần mạnh tay và nghiêm khắc hơn đối với hành vi bạo lực mang tính chất côn đồ nơi công cộng…

Ngoài ra, ông bà ta thường nói: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Nhường nhịn nhau trong cuộc sống không chỉ là lối hành xử đẹp, văn hóa, văn minh mà còn giúp gìn giữ những thứ quý giá của đạo làm người.


Xuất phát từ chuyện tình cảm, chửi nhau trên mạng xã hội, nhóm thanh niên hỗn chiến bằng bom xăng, dao phóng trên đường Phạm Văn Thuận (Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: NGUYỄN TUẤN

. Bạn đọc TRẦN VĂN TRÃI:

Biết xin lỗi, cảm ơn

Có lần sau cơn mưa, tôi chạy ôtô qua vũng nước mà chưa kịp giảm tốc độ khiến nước văng tung tóe lên người phụ nữ đang chạy xe máy ngược lại. Hối hận, tôi liền tấp xe vào lề, xuống xe và thật tâm nói lời xin lỗi. Nét mặt cau có của người phụ nữ giãn ra, chị cười nói: “Không sao đâu!” rồi chạy xe đi. Biết sơ suất của mình làm phiền người khác, tôi cũng đã cẩn trọng, chạy xe chậm hơn khi qua vũng nước.

Trong cuộc sống khó tránh khỏi những va chạm, những chuyện không hài lòng, những sự cố ngoài ý muốn. Mọi hành vi ứng xử, giao tiếp dù nhỏ cũng có thể trở thành bước đệm cho hành động tốt – xấu, hay – dở tiếp nối… Nếu biết cư xử khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh, đặc biệt biết nói lời xin lỗi, cảm ơn thì sẽ hóa giải những bức xúc, bực tức; hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra. Vậy sao chúng ta không tập cho mình, cho con trẻ thói quen nói lời xin lỗi, cảm ơn, qua đó tạo cơ hội cho chính mình và góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh?

Bên cạnh đó, để ngăn chặn hành xử bạo lực, cần tăng cường đẩy mạnh việc nêu gương, lấy cái đẹp dẹp cái xấu bằng cách tìm kiếm, phát hiện, tôn vinh, nhân rộng điều tốt đẹp. Một gương người tốt, hành động tốt, câu chuyện nhân văn có thể tác động tới lương tri, nhận thức cho nhiều người; qua đó giúp cho hành xử trong đời sống hằng ngày chuẩn mực hơn. 

Nâng tầm trong ứng xử, giao tiếp là cách nhanh nhất bớt đi những bức xúc, bốc đồng, nông nổi; giúp gắn kết con người; quảng bá hình ảnh đẹp cho nơi mình đang sống.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-8


Huỳnh Hiếu ghi