Chiều 13-7, Đại học Quốc gia TP HCM đã tổ chức tọa đàm về Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. PSG-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM chủ trì tọa đàm.

PSG-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, chủ trì tọa đàm

Tại tọa đàm, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế – Luật TP HCM, cho rằng kết quả thực hiện Nghị quyết 54 chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là do nhiều nội dung trong nghị quyết chưa được phân cấp triệt để, tức là đã “cho phép” nhưng cho không dứt khoát, TP HCM chưa được quyền chủ động thực hiện mà vẫn phải ra Trung ương xin thêm cơ chế.

Bà dẫn chứng quy định cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công do trung ương quản lý, nhưng thực tế thành phố không chủ động mà phải qua quá nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản. Nếu các quy định này không thay đổi thì cơ chế tự chủ của TP HCM cũng khó thực hiện.

Bên cạnh đó, TP HCM chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là thành lập các đơn vị trực thuộc, cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Ngoài ra, bà cho rằng mối quan hệ giữa Nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một “nguyên tắc tuân thủ” thống nhất, khi có sự khác nhau giữa Nghị quyết và Luật, nhiều trường hợp Nghị quyết 54 không được ưu tiên áp dụng.

“Giờ mình vướng. Tôi muốn đặc thù thì phải khác biệt nhưng muốn khác biệt lại không đúng luật” – bà nói và nhấn mạnh nếu nghị quyết trái luật thì phải ưu tiên nghị quyết.

Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cũng cho rằng khi thành phố làm việc với các bộ ngành về nghị quyết mới cần làm rõ, thống nhất các nội dung phân cấp trước khi ban hành. “Cái gì phân cấp được thì phân luôn, chứ không để cho ra đời rồi lại chạy đi xin từng cái, không biết mất bao nhiêu thời gian” – ông Phùng nói.

PGS-TS Nguyễn Anh Phong, Trường ĐH Kinh tế – Luật, nói Nghị quyết 54 để cho thành phố tăng quyền tự chủ, có ngân sách để hoạt động. Tuy nhiên, có những cái “cho cũng như không có”.

Điển hình như thuế môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt cho thành phố nhưng không dám tăng. “Ví như đánh thuế lên nhà máy sản xuất bia thì chắc chắn doanh nghiệp họ sẽ chuyển nhà máy xuống các tỉnh lân cận thành phố” – ông Phong dẫn chứng và cho rằng cơ chế phải thật sự đặc thù và thành phố phải hưởng được đặc thù đó.

Nghị quyết 54/2017 do Quốc hội ban hành, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính – ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1-2018 đến hết 2022.


PHAN ANH