Sáng 9-3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết vừa cứu chữa kịp thời một người đàn ông suýt thuyên tắc phổi vì huyết khối đang nằm ở chân. Bệnh nhân là ông L.V.S. (64 tuổi, ở TP HCM), nhập viện trong tình trạng chân trái đột ngột sưng đau, căng tức, đau nhiều không giảm.

Người bị huyết khối tĩnh mạch sâu rất nguy hiểm

Qua siêu âm và chụp CT mạch máu, các bác sĩ xác định người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch toàn bộ một phần chân trái. Đây tình trạng rất nguy hiểm, nguy cơ biến chứng thuyên tắc phổi rất cao.

Ngay sau đó bệnh nhân được chỉ định đặt lưới lọc huyết khối phòng ngừa tạm thời và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, hút huyết khối bằng phương pháp nội mạch đồng thời dùng thuốc kháng đông để điều trị, phòng ngừa tiến triển. Sau can thiệp điều trị, sức khỏe ông S. mới tạm ổn, triệu chứng thuyên giảm nhiều và ngăn kịp biến chứng nguy hiểm tắc phổi xảy ra.

Theo GS-TS-BS Trương Quang Bình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cơ chế hình thành huyết khối tĩnh mạch là do 3 nguyên nhân, còn gọi là “Tam chứng Virchow”, gồm: Tình trạng tổn thương thành mạch máu; rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông; ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch. Người nào có một, hai hoặc hội tụ cả 3 yếu tố trên là đối tượng có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch rất cao.

“Việc điều trị tùy từng trường hợp cụ thể, can thiệp khẩn cấp, song cũng có người có thể phải điều trị kéo dài trong nhiều năm hoặc suốt đời”, BS Bình thông tin.


NGUYỄN THẠNH