Sáng 14-1 (tức 23 tháng Chạp), mỗi gia đình lại chuẩn bị lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.

Người dân ra giữa sông Sài Gòn thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời

Từ sớm, tại chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh), người dân nô nức đến hành hương và thả cá xuống sông Sài Gòn ở khu vực chùa để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Có rất nhiều gia đình dẫn theo các bé đến chùa thả cá phóng sinh. Lần đầu tiên theo ba mẹ đi thả cá, em Thân Đặng Tiến Hưng (9 tuổi, TP HCM) ngồi trên ghe hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đi phóng sinh cùng cha mẹ. Em cảm thấy rất vui vì những con cá của mình sẽ giúp ông Táo bay về trời”.

Ngoài cá chép, người dân thả thêm cá trê, cá lóc, ba ba, chim… với mong muốn tạo cơ hội cho các loài vật được sinh sống tự nhiên. Trong sáng nay, có khoảng 1 tấn cá được phóng sinh xuống sông Sài Gòn tại chùa Diệu Pháp.

Theo quan niệm dân gian, vào ngày này, các ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời, bẩm báo tình hình một năm dưới hạ giới với Ngọc Hoàng. Chính vì thế, việc phóng sinh cá chép được xem là một nghi lễ không thể bỏ qua.

Nhiều người thuê ghe di chuyển ra giữa sông Sài Gòn để phóng sinh cá vì lo lắng thả gần bờ thì cá không đủ sức để bơi ra sông bởi những con cá để phóng sinh thường không còn khỏe và sẽ bị những người trục lợi bắt lại.

Một người bắt cá chép vừa được phóng sinh gần bờ sông.


Quỳnh Trâm