Bệnh nhân là bà H.T.K (65 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM). Người này đang chạy thận nhân tạo suy thận mạn giai đoạn 5 định kỳ thì bỗng xuất hiện cơn đau bụng hạ sườn phải và cơn đau tăng lên khi hít sâu.

Các bác sĩ phẫu thuật “2 trong 1” cứu bệnh nhân

Cảnh giác do người bệnh có tiền sử sỏi túi mật (kiểm tra định kỳ), các bác sĩ đã ngay lập tức siêu âm bụng phát hiện sỏi túi mật trước đây đã rơi xuống ống mật chủ và cổ túi mật gây viêm túi mật cấp, tình trạng đòi hỏi phải phẫu thuật cấp cứu lấy sỏi và cắt túi mật.

Kết quả kiểm tra cho thấy bà K. có sỏi cổ túi mật kích thước 26x20mm và sỏi đoạn cuối ống mật chủ kích thước 12x14mm gây dãn ống mật chủ. Túi mật đã căng to, nếu không được xử trí kịp thời thì có thể dẫn đến hoại tử, vỡ túi mật, nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ tử vong.

Với tình trạng này, người bệnh cần được lấy sỏi ống mật chủ và cắt túi mật ngay. Tuy nhiên, việc đang sử dụng thuốc chống đông do chạy thận nhân tạo định kỳ sẽ làm tăng rủi ro cho cuộc phẫu thuật vì nguy cơ xuất huyết kèm cơ địa béo phì, tuổi cao.

  • Ăn như thế nào để không sợ sỏi mật?

Sau khi cân nhắc mọi phương án, các bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật “2 trong 1” cho bệnh nhân, gồm nội soi mật tụy ngược dòng để cắt cơ vòng Oddi (ERCP- ES) nhằm lấy sỏi ống mật chủ và nội soi cắt túi mật cho người bệnh.

Theo ThS-BS Nguyễn Thế Toàn, Trưởng Khoa Ngoại Bệnh viên Gia An 115 (người trực tiếp phẫu thuật), nhờ sự phối hợp tích cực đảm bảo sự an toàn tối đa cho người bệnh, cuộc mổ lấy sỏi thành công.

Viêm túi mật nếu không có biến chứng thì có tiên lượng tốt, tỉ lệ tử vong thấp nếu được điều trị thích hợp thì có thể giảm triệu chứng sau 1-4 ngày. Viêm túi mật có biến chứng hoại tử hoặc thủng gây viêm phúc mạc mật thì có tiên lượng xấu hơn. Nếu tự tiện dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt hay trì hoãn việc điều trị, tình trạng viêm túi mật có thể diễn tiến gây những biến chứng khôn lường. Bà K, may mắn được phát hiện và xử trí kịp thời nên không nguy kịch tính mạng” – BS Toàn nhấn mạnh.


NGUYỄN THẠNH