Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) vừa công bố thông tin về việc trả một phần nợ gốc trái phiếu do công ty phát hành năm 2016.

Theo hợp đồng đặt mua và hoán đổi trái phiếu giữa công ty này với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), số nợ gốc trái phiếu HAGL dự kiến trả là 605 tỉ đồng, được lấy từ việc thu nợ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – do tập đoàn Trường Hải kiểm soát) và nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mới đây, HAGL cũng công bố việc ký kết thoả thuận cam kết với HAGL Agrico và BIDV về việc tách bạch, giải chấp/giải trừ nghĩa vụ bảo đảm đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của nhóm HAGL Agrico ra khỏi nghĩa vụ trái phiếu HAGL năm 2016. Đồng thời tài sản của HAGL chỉ bảo đảm cho nghĩa vụ đối với trái phiếu của tập đoàn này.

Cổ phiếu HAG tăng mạnh bất chấp thị trường chứng khoán đang điều chỉnh

Hồi cuối tháng 7-2022, HAGL đã có báo cáo giải trình về việc cổ phiếu từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31-12-2020 là số âm.

Tuy nhiên, căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 đã công bố ngày 30-7, công ty đã tạm thời khắc phục được nguyên nhân chứng khoán của công ty bị đưa vào diện kiểm soát. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2022 là 522 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 30-6-2022 còn âm 3.946 tỉ đồng.

Đồng thời, với việc giá bán chuối của công ty chuẩn bị vào chu kỳ giá cao nhất trong năm từ đầu tháng 9 hằng năm; giá bán heo tiếp tục tăng… HAGL dự kiến sẽ sớm đạt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho năm nay là 1.120 tỉ đồng và thậm chí vượt kế hoạch từ 20-30%. Những yếu tố này sẽ giúp công ty nhanh chóng khắc phục được tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát.

Công ty của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL) là doanh nghiệp tiếp theo có xu hướng trả nợ trước hạn trái phiếu đã phát hành. Báo cáo của FiinRatings mới đây nhận định, xu hướng doanh nghiệp đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu làm góp phần giảm áp lực rủi ro nợ đáo hạn. Theo đó, hoạt động mua lại tiếp tục gia tăng với tổng giá trị đạt 72.2900 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung vào trái phiếu trước thời điểm đáo hạn từ 1-3 năm.

Ngoài các ngân hàng thương mại, tổ chức phát hành ngành bất động sản mua lại trước hạn 16.200 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022. Hoạt động mua lại trước hạn vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng năm nay hoạt động này diễn ra sôi động hơn nhằm giảm rủi ro áp lực nợ đáo hạn cần kề trước thực tế chậm tiến độ triển khai dự án cũng như giải tỏa sức ép phải tất toán trước hạn hợp đồng mua trái phiếu theo yêu cầu của trái chủ sau sự kiện Tân Hoàng Minh hồi tháng 4-2022.

Đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng 23-9, cổ phiếu HAG tiếp tục tăng mạnh lên 14.350 đồng/cổ phiếu, tăng 3,61% so với phiên trước. Những ngày qua, bất chấp thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm mạnh, HAG vẫn là một cổ phiếu tăng mạnh. Thậm chí tính từ cuối tháng 6 đến nay, giá cổ phiếu HAG đã tăng một mạch từ vùng 6.700 đồng/cổ phiếu lên vượt 14.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng trên 100%.


Thái Phương. Ảnh: Lam Giang