Món thịt kho mang nhiều ý nghĩa

Thời xưa, mỗi khi tàu thuyền ra khơi, người ta thường nấu một nồi thịt kho để ăn được nhiều ngày lênh đênh trên biển. Có lẽ từ đó, người ta đặt tên cho món này là thịt kho tàu. Đây cũng là món hiếm hoi xuất hiện trong cả bữa ăn hằng ngày lẫn mâm cỗ dịp Tết cổ truyền.

Thịt kho tàu là món ngon với ý nghĩa tượng trưng cho sự ấm cúng, sum vầy. Sự hòa hợp giữa các nguyên liệu thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui. Món ăn này tưởng đơn giản, dễ làm nhưng đòi hỏi người nội trợ phải chọn mua thịt tươi ngon, biết cách ướp gia vị đặc biệt để hương vị đậm đà. Món thịt kho mềm và có màu nâu vàng sóng sánh là đạt.

Nếu miền Nam có món thịt kho tàu thì miền Bắc có món thịt đông không thể thiếu mỗi dịp Tết cổ truyền. Với sự hòa hợp các nguyên liệu, món thịt đông thể hiện sự gắn kết, yêu thương của các thành viên trong gia đình. Không chỉ thế, màu sắc trong trẻo của món ăn như niềm hy vọng cho một năm mới may mắn, thuận lợi với cả gia đình.

Món thịt đông thường được chế biến từ các nguyên liệu: thịt chân giò heo, tai heo hoặc thịt gà. Khi nấu, các nguyên liệu được hầm nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn, sau đó để nguội và bỏ vào tủ lạnh để làm đông. Lúc ăn, bạn sẽ cảm nhận được độ ngậy và cảm giác lành lạnh tan nhanh trong miệng.

Canh khổ qua

Bạn sẽ thắc mắc tại sao người Việt lại chọn món ăn có vị đắng cho ngày đầu năm mới. Đây là cách chơi chữ của người miền Nam. “Khổ” có nghĩa là khó khăn, “qua” có nghĩa là vượt qua. Người ta ăn món này với mong muốn những điều không may mắn trong năm cũ chóng qua đi để đón một năm mới an lành.

Canh khổ qua còn rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nước dùng có vị thanh mát giúp giải cảm trong thời tiết giao mùa. Những ngày Tết, khi bạn đã ngán ngẩm với những món dầu mỡ thì canh khổ qua là món ăn tuyệt vời.

Dưa hành muối

Món ăn kèm ngày Tết không thể thiếu dưa hành muối chua. Mỗi vùng miền có cách muối dưa củ chua khác nhau. Miền Bắc thích ăn hành tím muối chua; miền Trung, miền Nam lại thích củ kiệu, dưa món.

Ẩm thực người Việt luôn coi trọng sự hài hòa giữa các món ăn để cân bằng hương vị. Do đó, người xưa sáng tạo dưa củ muối chua để chống ngán cho món thịt mỡ, thịt đông, bánh chưng… Ngoài ra, các loại rau, củ lên men còn giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Tuy dưa hành muối là món ăn mộc mạc, giản dị song đòi hỏi chế biến vô cùng tỉ mỉ. Đầu tiên là ngâm hành, kiệu; sau đó rửa sạch rồi đem phơi nắng. Tiếp đến là công đoạn bóc lớp vỏ ngoài khô héo; cắt bỏ rễ hành, kiệu cho thật khéo và cuối cùng là nấu nước dấm để muối chua.

Ngọt ngào mứt Tết

Đây là một trong những món ăn vặt đặc biệt dùng để đãi khách ngày Tết. Nó được làm từ nhiều loại củ, quả như dừa, táo, cà rốt, cà chua… Vị ngọt và màu sắc sặc sỡ của các loại mứt Tết được cho là sẽ mang lại may mắn cho năm mới.

Giò, chả lụa

Giò, chả cũng là món ngon không thể thiếu trong ẩm thực ngày Tết cổ truyền. Cây giò, chả thơm ngon, dân dã là biểu tượng của sự phú quý, sang trọng, phúc lộc đầy nhà, trong ấm ngoài êm. “Trong ấm” là phần nhân bên trong, “ngoài êm” là lớp vỏ lụa bên ngoài.

Chả lụa được bọc bằng 3 lớp lá chuối để bảo quản được lâu ngày. Người làm chả thường lựa những tàu lá xanh mượt, mềm, không rách; sau đó rửa sạch sẽ, hong trên hơi nước sôi và lau khô để trước khi gói; cuối cùng là cây chả buộc bằng lạt mềm. 


GS Nguyễn Lân Dũng