Nguyễn Phúc Tần, hiệu Chúa Hiền (Hiền Vương) là vị chúa Nguyễn đời thứ tư, của/ở Xứ Đàng Trong, thời Nam Tiến mở đất và giữ đất, sau các đời Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng, Chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên, Chúa Thượng – Nguyễn Phúc Lan.

Vì sao Ô Lan?

Sinh năm 1620, mất năm 1687, ông là người kết thúc cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh, sau khi đánh bại cuộc tấn công lần thứ 7 của chúa Trịnh Tạc từ Xứ Đàng Ngoài năm 1672. Nhưng trước đấy, vào năm 1643, đang còn là thế tử, ông đã là người ghi một dấu son rạng ngời vào lịch sử sự nghiệp mở đất và giữ đất của các chúa Nguyễn, khi xông xáo chỉ huy trận hải chiến lừng lẫy, thắng lớn hạm đội thủy quân đang là chúa tể biển khơi của nước được sử cũ gọi là Ô Lan.

Ô Lan là từ phiên âm trong sử cũ của quốc danh Holland, tức Hà Lan bây giờ.

Hiện trạng lăng Trường Hưng (lăng của chúa Hiền Vương, húy Nguyễn Phúc Tần), năm 2019, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế .(Ảnh: VĨNH KHÁNH)

Thế kỷ XVII, Hà Lan là một nước đứng đầu thế giới về hàng hải, giao thương và chiếm hữu thuộc địa. Đối với Đông Nam Á, Hà Lan đã có cả một trung tâm điều hành các chủ trương và hoạt động lớn, đặt ở Batavia (Indonesia ngày nay). Từ đó, trổ ra những quan hệ với Đại Việt, cả Xứ Đàng Trong lẫn Xứ Đàng Ngoài.

Ban đầu, thuần là chuyện kinh doanh, buôn bán. Một thương điếm Hà Lan đã được mở và hoạt động hữu hiệu ở Hội An, từ năm 1636, do một người Hà Lan là Abraham Dujcker (được phiên âm thành Duy Kê – trong sử cũ) đứng đầu. Nhưng rồi những rắc rối đã xảy đến, với những chuyện “ngoài buôn bán”. Vì bấy giờ đã bùng nổ cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh, những thế lực ngoại bang chỉ cần quan hệ như thế nào đó, với Xứ Đàng Ngoài hoặc Xứ Đàng Trong, thì cũng đã đủ để trở thành kẻ đứng về phía một bên, giữa hai địch thủ.

Thành ra, khi vào năm 1637, Hà Lan cử một đoàn thương thuyền do trưởng đoàn Hartsingh (phiên âm thành Hạc Sinh – trong sử cũ) cầm đầu, đến Xứ Đàng Ngoài yết kiến chúa Trịnh Tráng, xin và được phép lập thương điếm ở Phố Hiến thì quan hệ giữa Hà Lan và Xứ Đàng Trong – lúc bấy giờ là thời trị vì của Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan – đã lập tức xấu đi.

Thêm vào đó, như đổ dầu vào lửa, là thái độ và đòi hỏi trịch thượng, lộng quyền cố hữu của một đế quốc, từ những người Hà Lan đến và ở Xứ Đàng Trong. Như vừa lập xong thương điếm ở Hội An, lái buôn Duy Kê nhân việc mấy năm trước đấy có một thuyền buôn Hà Lan bị bão đánh chìm ở vùng quần đảo Hoàng Sa, tuy được các dân chài Việt cứu thoát nhưng tiền vàng trên thuyền thì mất, đã nằng nặc đòi Xứ Đàng Trong phải trả lại đến 23.580 đồng tiền vàng, và dĩ nhiên là bị từ chối.

Đến năm 1641, lại xảy ra việc một người bản xứ làm lao công ở thương điếm Hà Lan tại Hội An bị nghi ngờ lấy trộm hàng hóa, bị chủ thương điếm ra lệnh tra hỏi, đánh đập đến chết. Quan trấn thủ Hội An lập tức phản ứng: Cho phá hủy thương điểm, tống ngục 9 người Hà Lan làm việc ở thương điếm, sau đó chém đầu 7 người, còn 2 người thì trục xuất về Batavia.

Sang năm 1642, một chiến thuyền Hà Lan, do thuyền trưởng Van Lieovelt (phiên âm: Lịch Viên) chỉ huy, từ Xứ Đàng Ngoài, chở theo cả đoàn sứ thần của chúa Trịnh – địch thủ của Xứ Đàng Trong – trên đường đi Batavia, không những ngang nhiên ghé vào đỗ ở Hội An mà còn hống hách đòi trấn thủ Hội An phải thả những thương nhân và thủy thủ của hai chiếc thuyền Hà Lan trước đấy vừa bị mắc cạn ở Cù lao Chàm và lúc này thì đang bị giam ở trong ngục Quảng Nam.

Dĩ nhiên là lại bị từ chối, Lịch Viên hậm hực về Batavia và “xin chủ trương” thế nào đấy mà lập tức Hà Lan cử ngay một đội 5 chiến thuyền, chở 70 lính và 152 thủy thủ sang đánh phá thẳng vào Quảng Nam ngay.

Giao chiến đã xảy ra. Lịch Viên cùng nhiều lính Hà Lan bị chết. Để trả thù, một chỉ huy Hà Lan là Van Linga (phiên âm: Linh Nga) đã chém đầu 20 thường dân Việt và bắt 108 người khác, đưa xuống thuyền, chở ra Xứ Đàng Ngoài.

Sự thể trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Nhưng phía Hà Lan không dừng lại ở đó. Cuối năm 1643, một đoàn 3 chiến hạm hạng đại của Hà Lan, từ căn cứ hải quân Jambee (Sumatra – Indonesia) do Đề đốc Pierre Beack làm tư lệnh, đã xuất kích sang đánh Xứ Đàng Trong.

Diễn biến trận hải chiến năm 1643

Sách “Đại Nam thực lục, Tiền biên” chép:

“Thế tử Dũng Lễ Hầu (sau nối ngôi, thành Chúa Hiền, Nguyễn Phúc Tần) đánh giặc Ô Lan ở biển Nội Hải.

“Lúc bấy giờ, tàu giặc Ô Lan đỗ ngoài khơi, cướp bóc những khách thương… Thế tử liền báo cho Chưởng cơ Tôn Thất Trung, ước hẹn đem thủy quân ra ngoài biển đánh giặc.

(Tôn Thất) Trung nghĩ: Chưa có lệnh Chúa (Thượng Nguyễn Phúc Lan) bảo đánh, cho nên ngần ngại chưa xuất binh.

Thế tử bèn tự đem chiến thuyền bản bộ, thẳng tiến một mình. (Tôn Thất) Trung bất đắc dĩ phải dẫn thủy quân đi theo. Ra đến cửa biển, thấy chiến thuyền của Thế tử đã phóng ra ngoài khơi. (Tôn Thất) Trung cầm cờ hiệu vẫy lại, nhưng Thế tử mặc kệ, cứ tiến. Thành ra (Tôn Thất) Trung phải đốc thúc thủy quân tiến theo. Chiến thuyền (của ta) sau trước, vùn vụt như bay.

Giặc thấy thế, cả sợ, nhằm hướng Đông mà chạy. Một chiếc tàu giặc to nhất còn chậm ở sau. Thế tử truyền lệnh vây đánh. Tướng giặc thế cùng, nổi lửa đốt tàu mà chết”.

Sách “Việt sử giai thoại”, trên cơ sở đoạn sử bút này của sách “Đại Nam thực lục, Tiền biên”, tham khảo thêm các tài liệu phương Tây, trong đó có cả tài liệu Hà Lan, mô tả chi tiết trận hải chiến ở cửa Eo (sử cũ gọi là Cửa Noãn) năm 1643, như sau:

“Đoàn tàu chiến Hà Lan – phải gọi là “tàu chiến” mới đúng, so sánh với chiến thuyền của ta – đến cửa biển thì gặp ngay sáu chục thuyền trận bé nhỏ của ta xông ra vây đánh. Tướng chỉ huy (quân ta) là Thế tử Dũng Lễ Hầu (Nguyễn Phúc Tần) – con trai Công Thượng Vương (Nguyễn Phúc Lan), hiện giữ trọng trách Trấn thủ Quảng Nam.

Mặc dù bên địch khạc đạn như mưa, quân ta chia ra ba đạo, kháng chiến cực kỳ dũng mãnh. Những người quyết tử tiến vào tận nơi mà chĩa súng bắn, cầm lửa đốt, chặt bánh lái, đục sườn tàu, rồi quăng thang dây, thi nhau trèo lên sàn tàu, dùng đoản đao mà chém quân giặc, khiến chúng kinh hoàng rút chạy tứ tung. Đánh giáp lá cà, quân ta hăng hái bội phần, không kể gì sống chết. Trên sàn tàu giặc, đầm đìa máu thịt chiến sĩ đôi bên…

Súng nổ liên tiếp, hòa với những tiếng quân sĩ hò reo và tiếng trống thúc trận của Thế tử, rung động một vùng trời biển, khói lửa mịt mù.

Chiếc tàu đô đốc to nhất và nhanh nhẹn nhất bị quân ta chặt gãy bánh lái, cột buồm và bám cứng vào hai bên sườn mà băm bổ, đến nỗi binh sĩ Hà Lan không sao đánh lui được. Viên đô đốc thấy tình thế không thể tẩu thoát, mà đã bị bắt thì mang nhục, chỉ còn cách châm lửa vào kho thuốc súng, tự đánh chìm tàu mà chết.

Hai chiếc kia tìm đường chạy trốn. Chiến thuyền ta đuổi theo bén gót. Một chiếc vì chạy tán loạn, lại vì gãy cả bánh lái, cột buồm, mất sự điều khiển, chạm vào mỏm đá mà vỡ đôi. Tướng sĩ còn sót trên tàu đều bị ta bắt sống. Còn chiếc kia, trải qua thiên nguy vạn hiểm và nhờ trời tối mới tẩu thoát chạy ra ngoài Bắc”.

Cái kết có hậu

Sách “Đại Nam thực lục, Tiền biên” chép tiếp:

“Ban đầu, Chúa (Thượng Nguyễn Phúc Lan) nghe tin Thế tử tiến binh ra khơi một mình, lấy làm sợ hãi, lập tức đem đại binh đi tiếp ứng. Vừa đến cửa biển đã trông thấy xa xa ngoài khơi khói đen bay lên ngất trời, vội vàng thúc quân tiến ra, thì tiếp được tin báo ta thắng trận. Chúa lui quân về bờ biển để đợi. Khi Thế tử (Nguyễn Phúc Tần) lên bái yết, chúa giận mà trách:

Mi là Thế tử, sao dám kinh luân, không biết giữ gìn như thế?

Lại trách (Tôn Thất) Trung chưa bẩm mệnh đã xuất binh. Trung tạ tội, rồi thuật lại trận đánh này, Thế tử anh dũng, không ai bì kịp.

Chúa cười và phán: Tiên quân ta ngày xưa từng phá được giặc biển. Ngày nay con ta cũng vậy. Ta không phải lo gì nữa.

Nói đoạn, trọng thưởng cho tướng sĩ rồi ngự giá về cung”.


Nhà sử học LÊ VĂN LAN