Đó là ý kiến của bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc nền tảng Vieclamtot.com, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về tương lai của lao động phổ thông trong bối cảnh cắt giảm nhân công đang xảy ra.

PHÓNG VIÊN: Bà phác họa và nhận định thế nào về nhu cầu tuyển dụng lao động?

– Bà TRẦN MINH NGỌC: Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng mọi ngành đều tăng cao từ tuần làm việc đầu tiên của năm Quý Mão, đặc biệt ở các vị trí công việc như: nhân viên phục vụ, bán hàng, kinh doanh, công nhân (CN) lao động… Dữ liệu của Việc Làm Tốt qua các năm, nhu cầu tuyển dụng sau Tết Nguyên đán đều tăng 20% – 30% so với cùng kỳ năm trước nhưng năm nay tỉ lệ tăng thấp hơn. Dự báo đến cuối quý II/2023, nhu cầu tuyển dụng sẽ không có sự tăng trưởng toàn thị trường mà biến động theo từng khối ngành và ngành nghề. Việc Làm Tốt đánh giá nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao ở các vị trí làm việc như nhân viên phục vụ, bán hàng, shipper, bảo vệ, dịch vụ ăn uống du lịch, CN xây dựng.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà nhìn nhận thế nào về tay nghề, kỹ năng và khả năng thích nghi của lao động phổ thông (LĐPT) đối với hoạt động của doanh nghiệp (DN)?

– Trong các khối DN có tổ chức sản xuất trực tiếp hoặc khối dịch vụ, ngành bán lẻ, lực lượng LĐPT đang chiếm khoảng 80% cơ cấu nhân sự của DN. Các đầu công việc cụ thể truyền thống và phổ biến như CN, nhân viên phục vụ, bảo vệ, tạp vụ, bếp, pha chế, tài xế… Trong khối lao động này tạm chia ra thành 2 nhóm: LĐPT và thợ. Với nhóm LĐPT, kỹ năng chuyên môn không cần nhiều như nhóm thợ vì thao tác và yêu cầu công việc đơn giản. DN tự tổ chức huấn luyện thêm trên môi trường thực tế từ một đến vài tuần trước khi vào việc chính thức. Đối với nhóm này, thách thức của DN là số lượng tuyển dụng lớn mà mức độ gắn kết của người lao động (NLĐ) không cao, DN chưa kịp tuyển mới xong đã phải tuyển bù. Các DN phải tập trung tăng mức độ gắn kết và hòa nhập công việc hơn cho nhóm này để tăng hiệu quả tuyển dụng, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh của DN.

Với nhóm thợ, được yêu cầu cao về cả kỹ năng tay nghề chuyên môn và kinh nghiệm. Khối lượng tuyển dụng nhóm này không nhiều bằng nhóm LĐPT nhưng khó tuyển vì trên thị trường không nhiều để DN có thể tuyển mới dễ dàng. Với nhóm này, giải pháp của các DN chủ yếu là xây dựng lộ trình đào tạo dài hạn cho lực lượng nhân sự hiện hữu để nâng cao tay nghề qua năm tháng và xây dựng chế độ lương thưởng dành riêng cho lao động thâm niên để giữ chân họ.

LĐPT cần làm gì để có việc làm ổn định?

– Tất cả các mô hình sản xuất – kinh doanh đều muốn tối ưu về hiệu suất, tức là với cùng một nguồn lực (nhân công, nguyên liệu, vốn, đất đai, thời gian…) mà tạo ra được sản lượng cao hơn. Để làm điều này, DN sẽ xây dựng quy trình làm việc với chỉ tiêu cụ thể nhằm tăng năng suất lao động của NLĐ. Chẳng hạn, CN A có chỉ tiêu làm 200 sản phẩm trong 1 ca, nếu làm không đủ sẽ phải làm bù, còn làm vượt sẽ được thưởng. Đây là hình thức phổ biến đang được áp dụng rộng rãi nhất là trong khối sản xuất chế biến. Gần đây, hình thức này được áp dụng thêm cho cả bên khối dịch vụ, nhất là trong nhóm ngành F&B (dịch vụ ẩm thực, nhà hàng, ăn uống).

Khi quy trình được chuẩn hóa, kết quả công việc về số lượng và chất lượng đều sẽ được chuẩn hóa và đo lường được rõ ràng. Do đó, NLĐ phổ thông cần thay đổi tư duy, kỷ luật, thái độ và trách nhiệm trong công việc. NLĐ cần hiểu rõ phần việc cần làm, chỉ tiêu của bản thân và tuân thủ đúng quy trình đã được đào tạo. Đây là một rào cản về thói quen và tâm lý của NLĐ thích được tự do và cũng quen với việc đó trong nhiều năm qua.

Lao động phổ thông đối diện nguy cơ mất việc làm vì không có tay nghề. Ảnh: GIANG NAM

Hiện xu hướng số hóa, đầu tư công nghệ IoT (mạng lưới thiết bị kết nối internet) vào sản xuất ngày càng phổ biến. Khi máy móc và công nghệ mới tham gia nhiều hơn vào quá trình sản xuất, NLĐ cần thao tác khác đi so với quy trình cũ. Đến lúc này, NLĐ sẽ phải tự trau dồi, học hỏi thêm những kỹ năng và kiến thức mới để có thể điều khiển được công nghệ, thích nghi với môi trường làm việc mới. Có như vậy, NLĐ mới không bị máy móc thay thế.

Nhà nước và các cơ quan chức năng cần làm gì để đẩy mạnh đào tạo nghề cho LĐPT?

– Về lâu dài, các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực tham mưu cho Chính phủ để đưa ra mục tiêu và chiến lược. Trong đó, nền kinh tế sẽ đi theo hướng ưu tiên phát triển ngành nghề nào để có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho khối ngành đó. Mục tiêu và chiến lược càng cụ thể thì các bên càng dễ thực hiện, các cơ sở đào tạo sẽ đầu tư vào công tác dạy và học để bám sát mục tiêu đó, người học nghề cũng nhìn rõ bức tranh đó mà phấn đấu học tập. Số lượng lao động chưa qua đào tạo tại Việt Nam còn rất lớn.

Đây là rào cản trong việc thu hút đầu tư và cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao. Vì vậy, nhà nước cần có các gói tài chính hỗ trợ đào tạo nghề trên diện rộng, trong đó phân tích đặc điểm từng vùng kinh tế để có hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu ngành nghề mà DN nơi đó đang cần tuyển dụng. Tại các vùng công nghiệp trọng điểm, cần mở các khóa đào tạo ngắn hạn, học cuối tuần hoặc buổi tối để CN, NLĐ được đến học miễn phí, giúp họ nâng cao kỹ năng nghề hoặc học một nghề mới để giảm thiểu rủi ro mất việc trong tương lai. Đẩy mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước để thu hút lao động nông thôn học nghề. NLĐ ở nông thôn khá lớn, họ ngại đi xa vì chi phí cao và cũng không muốn ly hương.


GIANG NAM thực hiện