Vừa qua, khoảng 350 công nhân (CN) Công ty TNHH S.L (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã ngừng việc tập thể để phản đối một số thay đổi trong nội quy lao động (NQLĐ) do công ty đề xuất. Làm việc với các cơ quan chức năng địa phương trong ngày đầu xảy ra tranh chấp, đại diện công ty cam kết sẽ điều chỉnh một số điểm còn chưa phù hợp với quy định pháp luật trong NQLĐ, thế nhưng sau đó không thực hiện khiến vụ ngừng việc kéo dài.

Phớt lờ khuyến cáo

Theo phản ánh của CN, ngày 12-11, công ty đã tổ chức cho các tổ trưởng lấy ý kiến người lao động (NLĐ) nhằm sửa đổi NQLĐ, với các nội dung như: CN phải có mặt tại công ty trước 10 phút, vào chỗ làm việc trước 5 phút; mỗi tháng NLĐ chỉ được nghỉ 1 ngày phép và mỗi ngày 1 chuyền chỉ giải quyết cho 1 NLĐ nghỉ phép. Mỗi chuyền sản xuất có 25 người thì chỉ có 1 người được đi vệ sinh, uống nước, người này đi xong đến người khác… Nếu NLĐ không chấp hành quy định sẽ bị công ty điều chỉnh lương và cắt thưởng từ 50% trở lên. Nếu NLĐ nghỉ 2 ngày phép/tháng sẽ bị trừ 30% lương tháng. “Nếu áp dụng các nội dung trên, CN hễ mắc lỗi, dù nhỏ, đều bị trừ lương, rất vô lý” – nhiều CN bức xúc.

Một cuộc đối thoại giữa đại diện doanh nghiệp và người lao động tại một công ty ở quận 12, TP HCM

Giải thích lý do đề xuất các nội dung trên, ông S.S.C, tổng giám đốc công ty, cho biết muốn chấn chỉnh thái độ, ý thức làm việc của NLĐ. Tuy nhiên, do công ty chưa nghiên cứu kỹ quy định pháp luật Việt Nam nên tập thể CN mới phản ứng khi được lấy ý kiến. Góp ý với công ty, đại diện đoàn công tác liên ngành huyện Châu Đức cho rằng dù mới chỉ tổ chức lấy ý kiến NLĐ nhưng một số nội dung do công ty đề xuất đã vi phạm điều cấm trong Bộ Luật Lao động và Hiến pháp Việt Nam về quyền con người. Bên cạnh đó, việc tổ chức lấy ý kiến, thương lượng với NLĐ để sửa đổi NQLĐ công ty cũng thực hiện chưa đúng quy trình.

Làm việc với đoàn công tác vào ngày 14-11, đại diện công ty nhìn nhận sai sót nhưng không sửa đổi khiến tranh chấp kéo dài. Đến ngày 16-11, khi tổng giám đốc đối thoại trực tiếp với CN, đồng ý bỏ khung giờ đi vệ sinh, uống nước; phát bảng lương cho NLĐ hằng tháng và cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam trong thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ thì tập thể CN mới đồng ý trở lại làm việc.

Tranh chấp dằng dai

Nếu như ở trường hợp trên, tranh chấp lao động kéo dài vì doanh nghiệp thiếu thiện chí sửa sai thì vụ tranh chấp giữa bà C.H.C (quận 7, TP HCM) với một bệnh viện (BV) ở TP HCM chưa có hồi kết suốt nhiều tháng qua lại lần lượt đến từ cả 2 phía.

Bà C. vốn là y sĩ và được ký hợp đồng lao động từ năm 1992. Đến năm 1999, sau kỳ thi tuyển công chức, bà C. được Sở Y tế TP HCM ban hành quyết định bổ nhiệm ngạch công chức. Tháng 8-2021, bà C. xin nghỉ việc nhưng chỉ được BV trả trợ cấp thôi việc (TCTV) từ năm 1999. Để đòi khoản TCTV còn thiếu (từ năm 1992-1999), bà C. đã gửi đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được BV giải quyết. Khi đó, đại diện BV cho rằng giai đoạn 1992-2006, bà C. thuộc biên chế của phòng y tế, sau đó là trung tâm y tế quận.

Đến năm 2007, BV được thành lập trên cơ sở tách từ trung tâm y tế quận và bà C. là một trong những nhân sự được chuyển sang cho BV quản lý. Do vậy, thời điểm trước năm 2007, bà C. không làm việc tại BV nên không có cơ sở tính TCTV. Tuy nhiên, BV vẫn tính TCTV theo hướng có lợi hơn cho bà C, thời gian chi trả được tính từ năm 1999. Cách tính này căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Đó là đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 7-7-2003, thời gian tính TCTV là tổng thời gian làm việc kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31-12-2008. “Bà C. trúng tuyển kỳ thi công chức và được Sở Y tế TP HCM ra quyết định bổ nhiệm ngạch công chức từ ngày 1-8-1999 nên thời gian tính hưởng TCTV của bà được chúng tôi tính từ ngày này” – đại diện BV giải thích. Sau đó, dù có hướng dẫn từ Sở Y tế thành phố, Phòng Nội vụ quận về việc chi trả TCTV cho bà C nhưng phía BV vẫn giữ quan điểm “quyết định bổ nhiệm công chức” chính là “quyết định tuyển dụng”, là mốc để tính TCTV cho NLĐ theo quy định tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng vừa qua, sau khi nghe phân tích, đại diện BV thừa nhận có sự nhầm lẫn trong cách hiểu về khái niệm “quyết định tuyển dụng”, cam kết sẽ đối thoại với NLĐ để giải quyết quyền lợi theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau nhiều lần gửi thư mời, bà C. lại không hợp tác. “Tại sao BV không giải quyết khi tôi vừa nghỉ việc mà ngâm vụ việc hơn 1 năm qua đến nay mới chịu sửa sai? Nay BV chịu sửa sai nhưng cách hành xử trước đó tôi vẫn không thể chấp nhận được. Do vậy, tôi vẫn sẽ tiếp tục đề nghị các cơ quan quản lý xem xét về cách thức tổ chức làm việc và việc thực hiện chính sách đối với NLĐ của đơn vị này” – bà C. nói.

Phải cầu thị

Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, đối thoại là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với NLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi. Tuy nhiên, để các cuộc thương lượng, đối thoại đạt hiệu quả, ngoài sự tôn trọng lẫn nhau và biết cầu thị, các bên cũng cần tuân thủ những quy định pháp luật về quy trình, cách thức tổ chức thực hiện để tránh phát sinh sự cố không đáng có.


Bài và ảnh: HƯƠNG HUYỀN