Đoạn nhạc có nội dung: “Má Xeko thì nghèo, má Chaien thì giàu còn Nobita luôn ăn hiếp bạn bè. Nobita thầm yêu Xuka, hái hoa hồng tặng cho Chaien. Nếu Chaien bằng lòng lấy Nobita làm chồng thì một năm sau Nobito chào đời”, được chế dựa theo bài hát “Hãy sống cho tuổi trẻ” (nhạc ngoại, lời Việt của Cao Tùng Anh). Theo nhận xét của VTV24, sản phẩm nhạc chế này không chỉ có ca từ vô nghĩa mà còn phá nát tuổi thơ của nhiều người, khiến giới trẻ tiếp cận sai lệch.

Đoạn nhạc chế trên được Lê Dương Bảo Lâm hát ở tiểu phẩm hài “Chuyện công viên” trong chương trình gameshow “Cặp đôi hài hước” phát sóng trên Truyền hình Vĩnh Long năm 2017. Sau đó, khi tham gia gameshow “Sàn đấu ca từ” phát sóng trên HTV7 2019, Lê Dương Bảo Lâm lại hát một lần nữa. Chương trình gameshow “2 ngày 1 đêm” – đang phát sóng hằng tuần trên HTV7, cũng có đoạn nhạc này.

Lê Dương Bảo Lâm hát nhạc chế “Doraemon” trong hậu trường gameshow, đăng tải trên YouTube. (Ảnh chụp màn hình)

Nhạc chế nói chung và nhất là “Doraemon” hiện đang rầm rộ, không ít người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên nền tảng mạng hát lại, nên càng tạo độ lan tỏa rộng. Gần đây, Lê Dương Bảo Lâm cũng mang đoạn nhạc chế này biểu diễn trên sân khấu buổi họp mặt người hâm mộ của hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, ở hậu trường một số gameshow… Dù ca từ vô nghĩa, thậm chí phản cảm do sai lệch hoàn toàn nội dung bộ truyện tranh nổi tiếng nhưng một số ít người lại cho rằng nó rất vui, giải trí cao và không ngần ngại hát lại.

Đây là suy nghĩ hời hợt, không màng hậu quả khi chỉ vì tiếng cười nhố nhăng, phản cảm mà quên đi các giá trị quan trọng khác cần có của một sản phẩm văn hóa. Nhiều khán giả và người trong giới đã từng lên án nhạc chế nhảm, nhất là khi chúng từng được lên sóng truyền hình, nơi lẽ ra chỉ nên tôn vinh những sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng bức xúc bày tỏ trên trang cá nhân: “Ngày xưa, những bài nhạc chế nội dung nhảm nhí chỉ xuất hiện trên miệng học sinh hoặc hội chợ nhưng bây giờ nó lên các gameshow truyền hình, thậm chí gameshow về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn. Đối với mình, đó là sự phỉ báng âm nhạc!”.

Đã đến lúc cơ quan quản lý mạnh tay hơn nữa trong việc dọn dẹp nhạc chế nhảm nhí như đã từng làm với nhạc phản cảm khác. Tiếng cười rẻ tiền, thảm họa cũng cần nhận sự tẩy chay từ khán giả để các giá trị nhân văn, đẹp đẽ khác xứng đáng được thừa nhận, ủng hộ.


Minh Khuê