Ngày 28-11, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 khai mạc trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, TP Hà Nội với sự tham dự của 1.091 đại biểu.

Nhiều ảnh hưởng tích cực

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh với chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX là sự kiện quan trọng, được tiến hành theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi tăng ni, phật tử không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành với đất nước hướng đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; phấn đấu xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.

Tới dự và phát biểu tại đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau hơn 2.000 năm du nhập vào Việt Nam với triết lý “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và truyền thống “Hộ quốc, an dân” phù hợp với đời sống, đạo đức, văn hóa của người Việt Nam, Phật giáo đã được đông đảo người dân đón nhận và tin theo. Ngày nay, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất nước ta; có nhiều ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội; góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống; xây dựng hạnh phúc và tư tưởng độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tại Việt Nam, Phật giáo có sự thống nhất giữa các tổ chức hệ phái trong một tổ chức chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam; không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa đạo pháp và dân tộc, giữa đạo với đời. “Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn là tổ chức thành viên tin cậy của MTTQ Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả lĩnh vực; chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, người dân có cuộc sống yên vui, hạnh phúc” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng lưu ý Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong việc giữ gìn, nâng cao đạo đức truyền thống xã hội; phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Theo đó, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; bình đẳng giữa các tôn giáo; sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, Hiến chương và điều lệ được nhà nước công nhận.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đại biểu dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 Ảnh: HỮU DƯƠNG

Tránh dùng tiền Tam bảo làm của riêng

Đại hội đã biểu quyết thông qua Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh, trong đó có nội dung xác định tài sản chung và tài sản cá nhân; quy định rõ hơn về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà chùa, không cấp cho nhà tu hành.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mục đích của việc tu chỉnh hiến chương lần này là nhằm bảo đảm hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định pháp luật liên quan; phù hợp với thực tiễn điều hành Phật sự trong giai đoạn hiện nay.

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho hay trước đây hiến chương chưa có quy định cụ thể về tài sản của tăng ni. Với lần tu chỉnh này, hiến chương quy định rõ: Tăng ni đang ở chùa muốn sở hữu tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản do cha mẹ, anh chị em tặng hoặc được phật tử cúng dường riêng. Nếu tăng ni không chứng minh được tài sản thuộc quyền sở hữu riêng, toàn bộ tài sản đó thuộc về Tam bảo. Đồng thời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chấp nhận tăng ni khi hoàn tục mang theo tài sản mà không chứng minh được quyền sở hữu riêng. Quy định này, theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, nhằm “tránh tình trạng sử dụng tiền Tam bảo làm của riêng”.

Hòa thượng Thích Huệ Thông khẳng định các cơ sở thờ tự đều đặt dưới sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhưng do lịch sử để lại, hiện tồn tại một số chùa làng, chùa gia đình. Do đó, trên cơ sở quy định của pháp luật và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo hội thống nhất quan điểm chỉ cấp sổ đỏ cho chùa, tức sổ đỏ mang tên chùa; không cấp cho cá nhân. 

Sáng nay, 29-11, tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng

Theo kế hoạch, sáng 29-11, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ biểu quyết và cử hành nghi thức tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa, Ni sư. Đồng thời, thông báo kết quả suy tôn Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, suy tôn Đức Pháp chủ và suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự, các chức danh Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại hội sẽ cử hành nghi lễ tụng bài kinh Chuyển pháp luân kính dâng Đức Pháp chủ. Đức Pháp chủ ban bố đạo từ tới đại biểu dự đại hội cùng tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước.

Chiều cùng ngày, các Hòa thượng lãnh đạo Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đến chào lãnh đạo Đảng, Nhà nước.


YẾN ANH