Đại diện tỉnh Hậu Giang dự thi là đơn vị xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ – nơi có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh. Vì vậy, trước ngày thi, tinh thần tham gia tập luyện, thi đấu của các vận động viên rất cao, ai nấy yêu thích là đều ủng hộ và đăng ký tham gia rất nhiệt tình.

Năm nay, Hậu Giang chỉ tham gia thi đấu ở hạng mục nữ với 90 vận động viên, bao gồm dự bị là 15.

Chị Thị Chưởn, một thí sinh ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang tham gia thi đấu năm nay, cho hay: “Tôi quê ở Kiên Giang, nhưng do tỉnh nhà đã đủ đội hình nên tôi qua Hậu Giang để thi đấu. Đồng bào Khmer mình yêu văn hóa dân tộc, nên cứ thấy ở đâu có cơ hội thi đấu thì mình cứ thi, không phải vận động viên tỉnh mình thì buộc phải thi đấu cho tỉnh. Chúng tôi thi đấu chủ yếu để quảng bá các giá trị truyền thống của dân tộc mình cho mọi người đều biết tới”.

Việc tập luyện tỏ ra rất chuyên nghiệp

Các vận động viên có tuổi đời từ 20 đến 50, thể lực từ khá trở lên, dù có công việc hay hoàn cảnh khác nhau nhưng vẫn luôn đồng lòng rèn luyện. Người này có yếu hơn một chút thì người kia dùng sức mình bù lại, đây còn là một bộ môn giúp thắt chặt tình đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau của người Khmer chân chất, thật thà.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Trong quá trình luyện tập, chúng tôi quan tâm và hỗ trợ hết mình các vận động viên, bao gồm bồi dưỡng thể lực, chỉ đạo huấn luyện viên thường xuyên tập luyện”.

Hậu Giang có đội hình ghe Ngo khá mạnh từ trước đến nay trong các tỉnh, thành ĐBSCL, với những chiến thắng đa phần ở hạng mục nữ. Trước ngày thi đấu, giữa tiếng còi vội vã của huấn luyện viên và tiếng vỗ tay náo nhiệt của người xem trên bờ, tinh thần các vận động viên vẫn sôi sục, kiên trì rèn luyện để tạo nên đội hình mạnh nhất, phá kỷ lục những lần tham gia trước.


Tin – ảnh: HIỀN LINH