Vũ khí siêu thanh phát hiện bức xạ hồng ngoại của Trung Quốc sử dụng các cảm biến hồng ngoại để giúp chúng tiếp cận mục tiêu đang di chuyển, như tàu chiến. Các cảm biến cũng có thể được sử dụng để xác định và theo dõi tên lửa đánh chặn.

Các nhà nghiên cứu – do kỹ sư Zhang Xuesong dẫn đầu, thuộc Trường ĐH Kỹ thuật Thông tin Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược PLA – cho biết họ đã phát triển một thuật toán có thể phân tích quỹ đạo của các vũ khí siêu thanh để giúp chúng tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm cả các hệ thống tiên tiến đang được phát triển ở Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh. Ảnh: USAF

Theo bài báo đăng trên tạp chí Common Control & Simulation của Trung Quốc vào tháng trước, các mô hình máy tính mô phỏng những cuộc tấn công siêu thanh với tốc độ gấp 8 lần tốc độ âm thanh cho thấy phương pháp của chuyên gia Zhang có thể giúp vũ khí siêu thanh của Trung Quốc tránh được nguy cơ bị đánh chặn, từ đó giảm thiểu lượng vũ khí cần thiết.

Theo tờ South China Morning Post, vũ khí mới có thể mang lại cho Trung Quốc lợi thế trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào liên quan đến vũ khí siêu thanh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đã có được rất nhiều thông tin về các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, như trạm radar, vị trí phóng, thuốc phóng và mô hình động cơ dùng cho tên lửa đánh chặn.

Nhóm của kỹ sư Zhang cho biết thuật toán của họ có thể xác định mô hình và một số thông số thiết kế bí mật nhất định của thiết bị đánh chặn từ đối phương trong vòng 10 phút sau khi phóng, đồng thời ước tính quỹ đạo của nó với độ chính xác trong khoảng 5 m.

Việc phát triển vũ khí siêu thanh là trọng tâm chính của cả Trung Quốc và Mỹ trong những năm gần đây vì những vũ khí này được xem là nhân tố thay đổi cục diện tiềm năng trong chiến tranh hiện đại.

Quân đội Trung Quốc và Nga đã triển khai nhiều loại vũ khí siêu thanh có thể di chuyển quãng đường dài với tốc độ Mach 5, lớn hơn 5 lần tốc độ siêu thanh hoặc nhanh hơn. Chẳng hạn, tên lửa YJ-21 của Trung Quốc được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng không hạng nặng và bắn trúng một tàu sân bay đang di chuyển với tốc độ tối đa.

Trong khi đó, Mỹ cũng ưu tiên chi tiêu quân sự để phát triển khả năng phòng thủ mới chống lại vũ khí siêu thanh của Trung Quốc và Nga. Chẳng hạn, thiết bị đánh chặn thế hệ mới (NGI) sẽ có các tên lửa đánh chặn nhanh hơn, dễ điều khiển hơn và đáng tin cậy hơn so với các thế hệ trước được thiết kế để phá huỷ tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng cuộc chạy đua phát triển tên lửa siêu thanh và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác có khả năng làm suy yếu tính năng hiệu quả của các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có, làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc leo thang căng thẳng ngoài ý muốn.


Xuân Mai