Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng Ấn Độ ban đầu không tham gia các cuộc đàm phán thương mại của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn đầu nhưng bà đã thảo luận song phương các vấn đề tương tự với người đồng cấp Ấn Độ.

Theo hãng tin Reuters, kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng ở Los Angeles, 14 quốc gia đã nhất trí về các phác thảo chính để đàm phán 4 “trụ cột” của hiệp định trong tương lai: thương mại (bao gồm dữ liệu và quyền lao động), khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và các tiêu chuẩn môi trường, các biện pháp chống tham nhũng và vấn đề thuế.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Reuters

Các cuộc đàm phán tại TP Los Angeles có sự tham gia của các đại diện đến từ úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cùng với Mỹ, các nước tham gia nói trên chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.

Bà Tai cho biết Tổng thống Joe Biden đã đề ra khuôn khổ IPEF vào tháng 5 nhằm đặt người lao động vào trọng tâm của chương trình nghị sự kinh tế và việc làm vì sự tăng trưởng bền vững, công bằng hơn. Sáng kiến này được Mỹ đề xuất nhằm mục đích có thêm mũi nhọn đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời củng cố sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.

Bà cho hay: “Sau nhiều ngày thảo luận sâu, chúng tôi đã đạt được tiến bộ thực sự hướng tới mục tiêu đó và các tuyên bố của bộ trưởng thể hiện cả sự tham vọng và đổi mới của chúng tôi. Ý định của chúng tôi là tiến tới đàm phán với các đối tác trên từng trụ cột với vòng thảo luận đầu tiên diễn ra sau hội nghị cấp bộ trưởng này”.

Bà Raimondo cho rằng cuộc họp IPEF cấp bộ trưởng lần thứ hai sẽ được tổ chức vào đầu năm 2023 nhưng bà từ chối cho biết liệu có thể đạt được thỏa thuận kịp thời trước khi Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) do Mỹ tổ chức vào tháng 11-2023 hay không.


Xuân Mai