Những năm trước 2014, tỉ lệ thất thoát nước trong mạng lưới do Công ty CP Cấp nước Bến Thành – Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn quản lý rất cao, hơn 42,37%. Sau khi áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic information system), tỉ lệ này giảm còn 19% (năm 2021), giúp tiết kiệm được hàng triệu mét khối nước, tương đương số tiền hàng tỉ đồng mỗi năm. Tác giả sáng kiến này là anh Nguyễn Văn Hiếu – Phó trưởng Ban Quản lý giảm nước không doanh thu của công ty.

Sáng kiến tiền tỉ

Tốt nghiệp kỹ sư ngành cấp thoát nước Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, năm 2013, anh Hiếu về làm việc tại Phòng Kỹ thuật Công ty CP Cấp nước Bến Thành. Để sớm nắm bắt công việc, anh rất chịu khó tìm đọc tài liệu chuyên sâu, nhất là học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay từ đồng nghiệp công ty và các đơn vị bạn.

Anh Nguyễn Thành Chương kiểm tra bộ phận điều khiển của “Bàn trượt đóng rulô tự xoay”

Trong quá trình làm việc, nhận thấy lợi ích của việc ứng dụng GIS vào quản lý mạng lưới cấp nước, anh Hiếu đã mạnh dạn đề xuất ban giám đốc cho thử nghiệm. Ý tưởng này được lãnh đạo công ty ủng hộ và anh Hiếu được giao chủ trì đề tài. Cùng với các cộng sự, anh đã bắt tay xây dựng công cụ quản lý và cập nhật BENTHANHGIS. Sáng kiến này không chỉ giúp người lao động (NLĐ) rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao năng suất làm việc mà còn giúp công ty tiết kiệm chi phí xây dựng công cụ và nâng cấp ứng dụng GIS lên các phiên bản mới hằng năm.

Năng lực cũng như tinh thần dám nghĩ, dám làm của người thợ trẻ này được ban giám đốc công ty đánh giá rất cao. Chỉ sau 2 năm làm việc, anh Hiếu đã được công ty bổ nhiệm làm Phó Ban Quản lý giảm nước không doanh thu. Đam mê sáng tạo và luôn muốn làm mới mình thông qua các ý tưởng, sau thành công bước đầu, anh tiếp tục cho ra lò thêm nhiều sáng kiến có giá trị. Trong đó, phải kể đến là sáng kiến phát triển ứng dụng GIS trên nền tảng máy tính và các thiết bị di động để quản lý sự cố mạng lưới cấp nước.

Sáng kiến này được ví như “bệnh án điện tử” của ngành cấp nước. Nó giúp chẩn đoán nhanh, chính xác “bệnh” của mạng lưới, từ đó kịp thời xử lý sự cố, giảm lượng nước thất thoát. Từ năm 2018-2021, ứng dụng này đã góp phần tiết kiệm cho công ty hơn 8,9 tỉ đồng từ việc giảm thất thoát nước. Với Hiếu, đây là sáng kiến mà anh tâm đắc nhất bởi nó mang lại lợi ích lâu dài cho cả đơn vị lẫn cộng đồng, đồng thời giúp NLĐ tăng năng suất lao động.

Vì sức khỏe đồng nghiệp

Tại Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Dây và Cáp điện Đại Long (huyện Bình Chánh, TP HCM), anh Nguyễn Thành Chương, nhân viên bảo trì điện, cũng là một điển hình sáng tạo với hàng loạt sáng kiến có giá trị làm lợi cao. Những ý tưởng sáng tạo của anh đều xuất phát từ sự quan sát và chỉn chu trong công việc, kể các phần việc không thuộc phạm vi của mình.

Chân ướt chân ráo vào công ty, nhận thấy công nhân (CN) ở khâu đóng gói sản phẩm có thể đối diện rủi ro khi phải di chuyển các cuộn rulô chứa cáp điện trọng lượng lớn (từ 500 – 5.000 kg), Chương đã mạnh dạn đề xuất thực hiện sáng kiến “Bàn trượt đóng rulô tự xoay”. Với sáng kiến này, chỉ cần 1 CN là có thể hoàn thành khối lượng công việc một cách nhanh chóng, an toàn, thay vì phải sử dụng 3-4 người như trước. Giá trị làm lợi từ việc tiết kiệm nhân công, giảm thời gian, tăng hiệu suất làm việc mỗi năm là gần 300 triệu đồng.

Lần khác, chứng kiến cảnh đồng nghiệp phải khiêng vác hay dùng xe nâng di chuyển máy móc, thiết bị văn phòng lên khu làm việc ở tầng 1, dễ gây rơi vỡ, hư hỏng hàng hóa và mất an toàn, anh Chương nảy sinh ý tưởng thiết kế một chiếc thang máy công nghiệp để CN đỡ vất vả. Cùng với anh em tổ cơ khí, anh đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống thang chở hàng. Sáng kiến này không chỉ giúp tăng hiệu suất làm việc của NLĐ lên gấp đôi mà còn tiết kiệm hơn 150 triệu đồng chi phí mua sắm thiết bị cho công ty.

Nói về những sáng kiến của mình, anh Chương khiêm tốn: “Là CN nên tôi hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của đồng nghiệp. Chính vì vậy, khi bắt tay thực hiện những sáng kiến, tôi chỉ mong anh em có được môi trường làm việc an toàn và hiệu quả cao hơn”.

Để tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho những CN có năng lực như Chương, mới đây, công ty đã cất nhắc anh lên làm việc tại bộ phận kỹ thuật dự án. Ở đây, anh có cơ hội tiếp cận với sân chơi nghề nghiệp lớn hơn, đồng thời được hỗ trợ chi phí học lên đại học để nâng cao trình độ.

“NLĐ giàu ý tưởng sáng tạo luôn là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Do vậy, tập trung đào tạo, bồi dưỡng những người như anh Chương là cách công ty nâng chất nguồn nhân lực, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững” – ông Lê Văn Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Dây và Cáp điện Đại Long, nhìn nhận.


Bài và ảnh: MAI CHI