Ngày 7-1, Reuters dẫn lời nhà khí tượng học David Roth từ Trung tâm Dự báo thời tiết của Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo “dòng sông khí quyển” trên sẽ đổ bộ bang California vào đầu tuần tới và kéo dài ít nhất đến giữa tuần.

Các khu vực dự kiến bị ảnh hưởng bao gồm TP Los Angeles, TP Sacramento và TP San Francisco, đều thuộc bang California. “Dòng sông khí quyển” mới sau đó hướng đến bang Oregon, mang theo lượng mưa từ 75-150 mm và đổ lớp tuyết dày hàng chục cm tại vùng núi.

Hàng chục ngàn ngôi nhà và trụ sở doanh nghiệp bị mất điện trong những ngày gần đây; hơn 34.000 ngôi nhà vẫn không có điện vào chiều 7-1, phần lớn ở hạt Mendocino, miền Bắc California – theo trang web Poweroutages.us.

Mưa lớn ở bang California – Mỹ sau bão ngày 5-1 Ảnh: REUTERS

Nếu xảy ra, đây sẽ là “dòng sông khí quyển” thứ ba tấn công bang California kể từ đầu tuần trước. NWS cảnh báo mưa lớn liên tiếp có thể khiến mực nước của các con sông cao kỷ lục và gây ra lũ lụt ở phần lớn miền Trung California.

Trong khi đó, trận lũ lụt “trăm năm có một” đã chia cắt các khu vực ở Tây Bắc nước Úc vào cuối tuần qua. Người đứng đầu Cơ quan Quản lý khẩn cấp Tây Úc Stephen Dawson mô tả “nước tràn ngập khắp mọi nơi”. Trực thăng quân sự được huy động để vận chuyển hàng trăm người dân ra khỏi các cộng đồng bị chia cắt bởi trận lũ lụt.

Tây Úc, bao gồm khu vực dân cư thưa thớt Kimberley, chịu ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Ellie hồi tuần trước. Lũ lụt xảy ra thường xuyên ở miền Đông nước Úc trong 2 năm qua do hiện tượng thời tiết La Nina kéo dài nhiều năm.

Riêng tại Ấn Độ, nhà chức trách thị trấn Joshimath trên dãy Himalaya ngày 7-1 thông báo đã sơ tán 193 người ra khỏi khu vực sau khi hàng trăm tòa nhà bị nứt do đất bị sụt lún. Nhiều năm qua, các chuyên gia cảnh báo những công trình xây dựng quy mô lớn như dự án thủy điện trong và xung quanh Joshimath có thể dẫn đến tình trạng sụt lún đất. 


Phạm Nghĩa