Ông N.X.K – phụ trách kinh doanh siêu thị điện máy tại quận 5, TP HCM – cho biết sức mua hàng điện máy thời điểm này rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Đáng chú ý, dịch vụ “thu hàng cũ, đổi hàng mới” cũng rất vắng khách mặc dù người tiêu dùng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí “tậu” đồ mới.

Hạn chế mua đồ mới

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các trung tâm thương mại, siêu thị điện máy lớn ở TP HCM như Chợ Lớn, Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Điện máy Xanh…, dịch vụ “thu hàng cũ, đổi hàng mới” sụt giảm doanh số đến 98%-99% so với những năm trước. Nhân viên tại đây cho hay người tiêu dùng có xu hướng tận dụng, sửa chữa đồ cũ để sử dụng thay vì mua mới trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.

“Thời điểm này là mùa cao điểm tiêu thụ hàng chống nóng như máy lạnh, quạt hơi nước… nhưng năm nay sức mua rất èo uột, có khi cả ngày không bán được món hàng nào” – nhân viên một siêu thị điện máy than thở.

Không riêng mặt hàng điện máy, tại nhiều cửa hàng công nghệ, dịch vụ “đổi cũ lấy mới” với laptop, smartphone cũng không được nhiều khách chọn. Các cửa hàng giảm mạnh thu mua máy cũ do nhu cầu yếu. Ông Hồ Tác Thành, Giám đốc hệ thống 24H Store, cho biết lượng khách chọn hình thức “lên đời” iPhone bằng cách đổi máy cũ hiện nay giảm rất mạnh, còn khách mua máy mới cũng giảm đến 60%-70% so với năm trước.

Nhu cầu sửa chữa hàng điện máy và công nghệ đang tăng khá cao

Cửa hàng sửa chữa quá tải

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, thông tin nhu cầu sửa chữa điện thoại, laptop đã tăng mạnh từ cuối năm ngoái và kéo dài đến thời điểm này. Các cửa hàng Điện thoại Vui – chuyên sửa chữa đồ cũ – thuộc hệ thống CellphoneS đang quá tải, phải liên tục tuyển nhân viên kỹ thuật.

Đối với smartphone, dịch vụ sửa chữa đắt khách là thay pin, vỏ, kính và camera với chi phí từ 400.000 đồng đến 2,5 triệu đồng tùy linh kiện. Còn đối với laptop, khách thường có nhu cầu thay pin, vỏ hoặc nâng cấp cấu hình máy tính gồm RAM, ổ cứng. “Trước đây, lượng khách đến sửa chữa thưa thớt, nhân viên phải chờ. Còn hiện nay, khách phải xếp hàng chờ sửa, thậm chí cửa hàng hẹn vài ngày mới sửa xong” – ông Huy cho hay.

Các tiệm sửa chữa đồ điện nhỏ cũng thiếu thợ đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Ông Huỳnh Minh Khôi, chủ tiệm sửa chữa điện lạnh Phát Đạt (quận 7, TP HCM), cho biết khách sửa máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt gần đây tăng gấp 5-6 lần năm ngoái. Do là đồ dùng thiết yếu nên khách thường muốn sửa gấp trong khi tiệm chỉ có 2 thợ. “Chúng tôi phải tuyển thêm 3 thợ nữa mới đáp ứng tương đối nhu cầu nhưng dù tìm nhiều nguồn cũng mới được 1 người” – ông Khôi cho hay.

Ông Bùi Hoàng Phúc – chủ tiệm laptop ở quận 10, TP HCM – cũng than phiền về việc khó tìm được thợ có tay nghề. Theo ông Phúc, trước đây, khách thường có nhu cầu thay thế những bộ phận đơn giản, thợ chỉ cần làm vài thao tác tháo lắp nhanh chóng, dễ dàng. Với những máy cần sửa chữa phức tạp, đa phần người tiêu dùng chọn phương án thanh lý để mua máy mới. Còn hiện nay, nhiều khách có nhu cầu sửa những máy hỏng hóc khá nặng để có thể tiếp tục sử dụng nhằm giảm chi phí mua đồ mới nên đòi hỏi tay nghề của thợ cao hơn.

“Tìm được thợ giỏi lúc này rất khó vì đa phần đã có công ăn việc làm, không muốn thay đổi công việc. Trong khi đó, chúng tôi chỉ cần thợ trong một thời gian nhất định để giải quyết đơn hàng tăng cao. Khi kinh tế tốt lên, chắc chắn nhu cầu mua sắm hàng mới sẽ nhiều hơn, khách đến sửa chữa máy cũ sẽ giảm, khó bảo đảm công việc lâu dài cho thợ” – ông Phúc băn khoăn. 

Hàng cũ bán chạy trở lại

Ông Hoàng Thế Bình – chủ cửa hàng kinh doanh đồ điện lạnh đã qua sử dụng ở quận Bình Tân, TP HCM – cho biết thời gian gần đây, các loại máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt cũ trở nên đắt hàng. Do đó, ông đã tìm đến các mối hàng cũ để đặt thêm hàng về bán.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng đồ cũ kinh doanh tốt hơn đáng kể so với những năm trước. Người tiêu dùng chọn đồ cũ bởi giá thấp, đáp ứng được nhu cầu sử dụng trước mắt. Hàng điện máy, điện lạnh cũ với chất lượng còn khá tốt có giá bán chỉ bằng một nửa so với mua mới. Với hàng đã thay đổi, sửa chữa một số linh kiện, giá bán chỉ bằng 1/3 so với hàng mới.


Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI