Chiều 16-12, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội quý IV/2022, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề lát đá vỉa hè bằng đá có độ bền lên tới 70 năm tuổi nhưng nhanh chóng bị hỏng.

Bãi xe không phép trước cổng, vỉa hè Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội. Ảnh: PV

Ông Trương Việt Dũng, Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội, cho biết ngay trong ngày hôm nay 16-12, thành phố đã có văn bản về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn.

Trong văn bản đề cập đến thông tin phản ánh của công luận và kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng khi ghi nhận một số tuyến hè phố lát đá trên địa bàn xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè bong bật, lún, nứt, vỡ. Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên chủ yếu do thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đá lát, công tác quản lý sử dụng sau đầu tư và duy tu bảo trì chưa được quan tâm đúng mức…

Để việc đầu tư cải tạo nâng cấp các tuyến hè phố đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác đầu tư và mỹ quan đô thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Rà soát tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ôtô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trong tháng 12-2022 (trong trường hợp có vi phạm cần chấm dứt ngay). Phát huy vai trò của UBND xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, vai trò giám sát cộng đồng dân cư trong việc tổ chức thi công, quản lý sử dụng hè phố sau đầu tư, cải tạo, xây dựng mới” – UBND TP Hà Nội yêu cầu.

Bên cạnh đó, giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện xe ôtô tải trọng lớn đi trên hè phố, các hành vi dừng, đỗ xe trên hè phố không đúng quy định, các công trình xây dựng có hoạt động thi công làm hỏng kết cấu hè phố, các điểm tập kết vật liệu xây dựng trên hè phố không được cấp phép.

TP Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư có dự án có trách nhiệm tổ chức kiểm tra rà soát, thực hiện công tác bảo trì, bảo hành theo quy định; kịp thời duy tu, sửa chữa các điểm hè phố bị lún nứt, vỡ, bong bật để đảm bảo chất lượng công trình và mỹ quan đô thị; tăng cường quản lý sau khi bảo hành, bảo trì, duy tu, sửa chữa, không để xảy ra tình trạng tương tự.

Đối với Sở Xây dựng, thành phố giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành thành phố và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ…. tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng.

Thành phố yêu cầu rà soát, đánh giá hiệu quả của việc lát đá hè phố đối với danh mục các tuyến phố đã được phê duyệt; nghiên cứu, chuẩn hóa giải pháp kỹ thuật, vật liệu xây dựng lát hè phố phù hợp, báo cáo UBND TP trong quý I-2023 để xem xét, chỉ đạo.

Cùng ngày 16-12, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đã ký văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Sở Giao thông vận tải về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng lát đá vỉa hè trên địa bàn toàn thành phố.

Nội dung văn bản thể hiện, trong năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra xác suất 7 dự án chỉnh trang hè phố. Qua công tác kiểm tra, Sở đã phát hiện rất nhiều tồn tại, như: Tại một số dự án, việc thi công tại một số vị trí chưa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận; công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố chưa đảm bảo theo quy định;

Tổ chức mặt bằng thi công bị dàn trải, chưa khoa học, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường gây mất mỹ quan đô thị, làm ảnh hướng đến giao thông, sinh hoạt của người dân; đặc thù thi công, cải tạo chỉnh trang phụ thuộc vào thực tế mặt bằng hiện trang trên từng tuyến phố và thời gian thi công vào ban đêm. Tuy nhiên, công tác giám sát chưa thường xuyên, liên tục, chưa kịp thời giải quyết, xử lý những vướng mắc phát sinh, đặc biệt công tác phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình….; công tác quản lý, sử dụng, bảo trì hè sau đầu tư tại một số tuyến phố chưa đảm bảo (nhiều nơi vỉa hè còn bị chiếm dụng để đỗ ô tô, xe cơ giới hoặc phục vụ các hoạt động kinh doanh của người dân…).


B.H.Thanh