Chủ trì diễn đàn gồm: Nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Kiền – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh; PGS-TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế – Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 

Đặc biệt, trong bối cảnh cơn bão số 4 Noru vừa mới đi qua, ảnh hưởng lớn đến 8 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Ban tổ chức diễn đàn đã kết nối trực tuyến với các phóng viên đang có mặt tại hiện trường khắc phục hậu quả bão lũ ở TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị và Nghệ An.

Diễn đàn trực tuyến “Tăng cường vai trò báo chí trong thông tin tuyên truyền về biên giới, biển đảo”.

Trong 3 phiên thảo luận, các đại biểu đã nhấn mạnh tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những năm qua, báo chí đã cơ bản chuyển tải được tinh thần, chủ trương xử lý vấn đề biển Đông của Đảng, Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Các chuyên gia góp ý rằng các ngành chức năng cần xây dựng kho dữ liệu chung trên mạng dành cho nhà báo và người dân về chủ quyền biển đảo; học hỏi kinh nghiệm báo chí các nước khác, đổi mới cách tuyên truyền sao cho bình dị, nhẹ nhàng để công chúng dễ tiếp nhận. Đồng thời, việc thông tin, giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng cần đổi mới sao cho vừa liên tục, vừa hiệu quả và phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi.

Tại diễn đàn, đại diện Báo Người Lao Động đã chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” (nay là chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc”) mà Báo Người Lao Động đã thực hiện từ năm 2019 đến nay  với nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, đại diện của báo nhấn mạnh kinh nghiệm tổ chức sự kiện trao cờ cho ngư dân đi đôi với truyền thông hiệu quả, cũng như sự phối kết hợp với các tổ chức, lực lượng Quân đội để chương trình vừa có thể tổ chức được trên diện rộng, vừa đi vào chiều sâu trong tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao tặng túi thuốc cho ngư dân ở cảng cá Lagi, tỉnh Bình Thuận.

Niềm vui của người dân nhận cờ Tổ quốc – Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” là một chương trình có cách làm sáng tạo, có ý nghĩa cả về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội.

Phát biểu tổng kết diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng trong suốt trong những năm qua, công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả chiều rộng và chiều sâu. Nội dung, hình thức và các biện pháp tuyên truyền được quan tâm đổi mới, bám sát thực tiễn. Bên cạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác tuyên truyền đã phản ánh đậm nét nhiệm vụ phát triển kinh tế biển.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện các chuyến công tác vùng hải đảo, bám biển cùng ngư dân để có những tin bài nóng hổi, phản ánh sự hiện diện của người dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Chính điều này đã thể hiện biển, đảo là một bộ phận không thể tách rời trong toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. 

Ông Hồ Quang Lợi đề nghị từ những kinh nghiệm và đề xuất được nêu tại diễn đàn, các cơ quan báo chí có thể tham khảo để có những nội dung mới, hình thức hay nhằm chuyển tải thông tin về chủ quyền biển, đảo đến với công chúng trong thời gian tới.


VŨ TÙNG