Tại hội nghị tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1-7-2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.

Thảo luận tại tổ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu thực tế: “Kỹ sư ra trường lương khởi điểm 3,5 triệu đồng, viên chức 2,2 triệu đồng, trong khi đó mức lương tối thiểu vùng thấp nhất cũng đã 3,6 triệu và vừa qua điều chỉnh đã lên 4,2 triệu. “Thu nhập bình quân theo sự khảo sát của chúng tôi tại TP HCM bình quân để một người dân của TP sống được là 6,5 triệu, trong khi kỹ sư ra trường chỉ 3,5 triệu đồng thì sống thế nào, chưa kể còn gia đình, con cái…Mức lương của công chức hiện nay thấp hơn mức lương tối thiểu, thì rõ ràng phải cải cách, phải điều chỉnh”. Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định việc điều chỉnh tiền lương thời điềm này là cần thiết.

Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cho rằng nên tăng lương sớm cho cán bộ công chức bớt khó khăn. Bạn đọc Nguyễn Vân chua chát: “Tôi đi dạy đến nay được 20 năm. Đêm về nào là giáo án, hồ sơ sổ sách ..vv.. nhưng lương chỉ được 7,6 triệu đồng, trong khi bên cạnh nhà có bạn trẻ đi phụ hồ được chủ thầu trả 9 triệu đồng”. Bạn đọc Nguyễn Chí Hưng góp ý: “Nên tăng lương sớm cho cán bộ công chức bớt khó khăn. Những vị làm chính sách hãy đặt mình vào vị trí của công chức, viên chức đi, nhìn vào đồng lương và phụ cấp đấy. Làm gì có nguồn thu nhập thêm nào?”.

Bạn đọc Nguyễn Nam Yến bày tỏ: “Lương không đủ chi. Học phí thì tăng, vật giá leo thang. Mong rằng Nhà nước quan tâm về vật giá hiện nay…bạn đọc Nguyễn Thị Hòa viết: “Thấy nói tăng lương cơ sở cũng mừng đấy! Nhưng cũng không dám mừng nhiều, chỉ khi nào nhận lương mới thì lúc đó mới chắc chắn là có tăng lương thôi”. Bạn đọc Lê Văn Cường đề xuất: “Nên tăng lương ngay từ đầu năm vì chỉ số tiêu dùng tăng quá cao, cán bộ viên chức, công chức đang quá khó khăn trong cuộc sống, năm học mới lại đến, học phí cũng tăng và các khoản đóng góp khác của các cháu lên đến gần 10.000.000 đồng/cháu”.

Tương tự, bạn đọc Đặng Vinh bày tỏ mong muốn Quốc Hội chốt tăng lương cơ sở ngay từ 1-1-2023 vì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mong mỏi lắm rồi”. Một bạn đọc Hiếu thiết tha mong mỏi Chính phủ và Quốc Hội xem xét cho tăng lương ngay từ tháng 1/2023. Thực tế đời sống công chức, viên chức là hết sức khó khăn. Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Văn Hương cũng đề nghị tăng lương cơ sở tháng 1-2023, nếu tháng 1-2023 không chi tăng lương kịp thì sang tháng 2-2023 chi tăng lương rồi truy lãnh tháng 1, vì đời sống công chức, viên chức hiện nay quá khó khăn.

Không nên cào bằng

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đề xuất tăng lương vào thời điểm này là hợp lý, phương án đề xuất cũng dựa trên tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như có sự tham mưu của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan. Hiện nay công chức, viên chức mới vào nghề nếu tính thêm cả phần trăm phụ cấp, mức lương cũng chỉ từ 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả thị trường tăng cao, nếu không tăng lương, đời sống những người làm công ăn lương nhà nước sẽ rất khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến 1 bộ phận không nhỏ công chức, viên chức xin nghỉ việc chuyển ra khu vực tư nhân làm việc trong thời gian qua.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nếu tăng lương theo cách “cào bằng”, nhìn có vẻ rất hợp lý, nhưng với những người hưởng hệ số lương thấp thì mức tăng không đáng kể, ngược lại với những người có hệ số lương cao, cán bộ lãnh đạo mức lương lại tăng lên khá nhiều. Do đó, Chính phủ nên tính toán chi tiết theo từng nhóm đối tượng, khu vực, như vậy tổng quỹ lương không vượt quá mức dự toán ban đầu, nhưng những người có mức lương thấp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.


An Chi