Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11-2-2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết 44/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Quyết tâm thông xe 4 dự án cao tốc

Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2021) có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công). Đầu năm 2022, dự án thành phần Cao Bồ – Mai Sơn dài 15,2 km đã đưa vào khai thác, 10 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Dự kiến trong năm 2022, có 4 dự án thành phần hoàn thành tiến độ gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45 (dài 63,4 km); Cam Lộ – La Sơn (dài 98,3 km); Vĩnh Hảo – Phan Thiết (dài 100,8 km) và Phan Thiết – Dầu Giây dài (99 km). Dù vậy, tiến độ hoàn thành có thể gặp những bất lợi do những yếu tố thời tiết bất thường và biến động của giá nhiên, vật liệu.

Để giải quyết những khó khăn về tiến độ, sáng 10-9, tại Bình Thuận, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức lễ phát động thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây”. Thời gian thi đua sẽ bắt đầu từ tháng 9-2022 đến hết tháng 12-2022.

Các nhà thầu khẩn trương hoàn thành một số tuyến trên cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 Ảnh: VĂN DUẨN

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, hiện Bộ GTVT cùng với các ban quản lý dự án, các nhà thầu thực hiện 3 ca trên công trường và gần như không có ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Trong dịp lễ 2-9 vừa qua, cũng làm xuyên lễ. Lễ phát động thi đua trên được xem là chiến dịch lớn trong năm 2022 của ngành GTVT với những mục tiêu, tiêu chí thi đua khen thưởng rất cụ thể đối với từng hạng mục, từng gói thầu, đối với từng nhà thầu và từng dự án. “Để phong trào thi đua đi vào thực chất, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu và toàn dự án. Giải quyết nhanh những thủ tục liên quan cho nhà thầu; nhanh nhạy, linh hoạt hơn nữa trong việc áp dụng mọi cơ chế giải ngân nhằm hỗ trợ, duy trì năng lực tài chính cho các nhà thầu tăng tốc thi công” – Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nói.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết trong những ngày qua, ông đã trực tiếp đi kiểm tra 4 dự án cao tốc sẽ phải hoàn thành trong năm 2022. Qua kiểm tra đã ghi nhận những khó khăn khách quan, chủ quan của từng dự án. Tuy nhiên, qua trao đổi với từng nhà thầu cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng có những vấn đề mà lãnh đạo các nhà thầu phải suy nghĩ: Trong cùng một môi trường thi công, ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như nhau nhưng có những nhà thầu thi công tốt, đã cơ bản hoàn thành các khối lượng chính của gói thầu, trong khi có những nhà thầu tiến độ vẫn không đáp ứng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng nếu phát động phong trào thi đua theo kiểu chung chung, hình thức sẽ không hiệu quả, mà phải làm thực chất. Sau lễ phát động phải có không khí thi công mới trên công trường, có trách nhiệm cao ở từng vị trí, từ công nhân đến chỉ huy trưởng, giám đốc nhà thầu, giám đốc dự án, giám đốc ban quản lý dự án… để vượt qua những khó khăn, hoàn thành các mục tiêu cam kết.

“Các nhà thầu không hoàn thành được lời hứa sẽ là có lỗi với nhân dân. Xây dựng các dự án cao tốc không chỉ là phát triển kinh tế thuần túy của nhà thầu mà còn là nhiệm vụ chính trị, uy tín, thương hiệu của mình. Hạnh phúc lớn nhất của người thợ xây dựng, ngành xây dựng là giữ lời hứa với cam kết của mình” – Phó Thủ tướng nói.

Ưu tiên nhà thầu làm tốt giai đoạn 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết những nhà thầu làm tốt giai đoạn 1 của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ được xem xét chỉ định thầu làm giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (2021-2025). Tuyệt đối không chọn những nhà thầu yếu kém.

Nghị quyết 119/NQ-CP vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành sẽ gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Cụ thể, nghị quyết giao Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án; gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thị sát tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 Ảnh: VĂN DUẨN

Như vậy, Nghị quyết 119 đã gỡ những vướng mắc tại Nghị quyết 18/NQ-CP bởi Nghị quyết 18 khiến một số địa phương chưa thể xác định được việc chỉ định thầu công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tái định cư… của các địa phương có yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu hay không và địa phương được giao chỉ định các gói thầu như thế nào là phù hợp.

Cùng với quy định rõ việc chỉ định thầu nêu trên, Nghị quyết 119 cũng sửa đổi cơ chế đặc thù khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu. Cụ thể, Nghị quyết 119/NQ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 điều 1 về cơ chế đặc thù khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Về một số nhiệm vụ cụ thể của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan, Nghị quyết 119 giao UBND các tỉnh có trách nhiệm “công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo thẩm quyền và quy định pháp luật” và “kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường theo quy định pháp luật”.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, các địa phương cho rằng công bố giá vật liệu “không thể thỏa mãn mọi tình huống” thì nay Nghị quyết 119 sẽ tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề này. Theo đó, UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm “công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo thẩm quyền và quy định pháp luật”. 

146.990 tỉ đồng đầu tư công

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 44/2022/QH15 với tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công. Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ – Cà Mau (110,9 km). Bộ GTVT đã phê duyệt toàn bộ 12/12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, hiện đang tích cực triển khai thủ tục liên quan để khởi công dự án vào cuối năm 2022.


VĂN DUẨN – HỢP PHỐ