Dạo quanh các phòng bệnh, bác sĩ Lê Văn Hạng, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân Ái ân cần hỏi từng bệnh nhân Tết này có đăng kí về không, họ đều lắc đầu. Có người cười nói muốn đăng kí ở lại ăn Tết cùng thầy cô – cách bệnh nhân ở đây gọi bác sĩ, điều dưỡng. Việc bệnh nhân mong muốn ở lại bệnh viện đón Tết Nguyên đán không còn là điều mới lạ với bác sĩ Hạng, vì bác cũng gần 20 năm đón Tết trong bệnh viện cùng bệnh nhân. 

Đại gia đình Nhân Ái

Nằm cách TP HCM 200km, Bệnh viện Nhân Ái thuộc quản lý của Sở Y tế TP, là bệnh viện chuyên môn hạng 2 tuyến TP. Bệnh viện diều trị và chăm sóc hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ y tế, điều trị có hiệu quả bằng thuốc kháng virus HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác, chăm sóc giảm nhẹ. Nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tiên phong trong việc chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đây cũng là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân ở các trại cai nghiện của TP.

bác sĩ Lê Văn Hạng, Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân Ái ân cần hỏi từng bệnh nhân những ngày giáp Tết

Với đặc thù của bệnh viện nên cán bộ nhân viên y tế, bệnh nhân ở đây cũng đón Tết đặc biệt hơn những nơi khác. Xa nhà 8 năm, cũng chừng đó thời gian chị Kim Dung điều trị HIV ở bệnh viện. Chị Dung kể, ngày biết tin mình lây nhiễm HIV từ chồng, chị sốc và buồn, nhưng rồi vì con nên phải học cách chấp nhận. 

“Tôi nghĩ số phận của mình đã vậy, chấp nhận để cái chết đến nhẹ nhàng. Lúc đó tôi không biết bệnh này có thể dùng thuốc kéo dài sự sống. Sau này thông qua truyền thông báo chí, tôi hiểu được, bắt đầu tìm đường cứu mình” – chị Dung nói.

Điều dưỡng là người chăm sóc cho bệnh nhân cả về ăn uống lẫn vệ sinh cá nhân

Từ khi biết mình nhiễm HIV, chị Dung đã nhận sự kì thị thì hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp, khiến chị phải nghỉ việc. Qua tìm hiểu chị biết được Bệnh viện Nhân Ái điều trị HIV miễn phí, chị đã lựa chọn ở lại bệnh viện để điều trị. Mỗi năm chị dành vài ngày để về nhà thăm con. Khi Tết đến xuân về, chị Dung cũng ở lại đón Tết với những bệnh nhân ở đây vì chị cảm nhận được niềm vui, sự quan tâm, ấm áp của mọi người xung quanh.

Cũng như chị Dung, anh Lê Quang Long nhiễm HIV từ năm 1998 vì tiêm chích ma tuý chung kim tiêm, ở thời điểm bị bệnh, anh đã bị xã hội và họ hàng kì thị, bản thân mặc cảm muốn tìm đến cái chết, nhưng sau thời gian được khuyên nhủ anh muốn tiếp tục sống và đóng góp cho xã hội.

Anh Long tham gia các chương trình thiện nghiện của cộng đồng, dạy cắt tóc cho các bệnh nhân ở Trung tâm khác, nhưng sự kì thị xa lánh bởi những người xung quanh khiến anh một lần nữa ngục ngã, quay lại con đường tiêm chích ma tuý, dẫn đến sức khoẻ suy kiệt, thời gian sống tính từng giờ. 

May mắn, snh được đưa đến bệnh viện Nhân Ái điều trị qua cơn nguy kịch. Anh lựa chọn ở lại bệnh viện từ năm 2012.

“Đón Tết ở đây 10 năm, tôi đã quen sự sum họp với anh em bạn bè, vui khi chia sẻ hết mình vì cùng đồng cảnh, không giấu diếm, không cần phải suy nghĩ. Được nhân viên y tế, lãnh đạo bệnh viện quan tâm tổ chức cho rất nhiều hoạt động vui chơi” – anh Long chia sẻ.

Không những bệnh nhân xem Bệnh viện Nhân Ái là gia đình thứ hai, mà các bác sĩ, điều dưỡng ở đây cũng vậy. Bác sĩ Lê Văn Hạng, quê ở Thanh Hoá đã đón Tết xa quê từ khi làm tại bệnh viện năm 2008, nên anh đã quen dần. 

“Tôi lựa chọn vào bệnh viện làm việc vì bệnh nhân ở đây cần mình hơn là những nơi khác. Bệnh nhân ở đây thuộc nhóm yếu thế, mình hiểu được điều đó nên không có sự phân biệt. Chừng ấy năm không đón Tết cùng ba mẹ, tôi thấy có lỗi nhưng nếu tôi rời đi đồng nghiệp sẽ vất vả thêm một chút” – bác sĩ Hạng nói.

Vào những ngày Tết, ngay cả không phải ngày trực của mình nhưng nhân viên y tế vẫn vào bệnh viện để chơi cùng bệnh nhân, tham gia các hoạt động vui Tết do bệnh viện tổ chức cho bệnh nhân. Bác sĩ Hạng cho biết bệnh nhân ở đây hầu hết là người vô gia cư, một số ít có nhà nhưng không thể về nên những ngày này nhân viên y tế tụ họp lại để bù đắp tình yêu thương cho bệnh nhân, san sẻ cùng họ. Khi nào nhân lực đông hơn, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ thay phiên nhau về nhà đón Tết.

Bệnh viện sắp xếp khu giải trí cho các bệnh nhân có sức khoẻ ổn định

Bác sĩ Lê Văn Long, Khoa Nội 2, đã làm việc ở bệnh viện được 20 năm, cũng là 20 năm đón Tết xa quê vì khoảng cách địa lý, thời gian ít, nhân lực thiếu. Hơn nữa, đây là bệnh viện đặc thù, ngoài điều trị và chăm sóc còn phải quản lý bệnh nhân, không được để bệnh nhân trốn. Nhân lực mỏng lên phải hỗ trợ lẫn nhau, vừa trực vừa ăn tết cùng bệnh nhân.

“Những hoạt động ngày Tết giúp giải toả tinh thần cho bệnh nhân, giảm đi cảm nhớ nhà, cảm giác bị kì thị. Chúng tôi ở đây thay mặt người thân để chăm sóc họ, họ là người thân của mình, mình cũng là người thân của họ, họ đem lại cho mình niềm vui, không có khoảng cách nào cả. Chúng tôi là một gia đình lớn” – bác sĩ Long cho hay.

Bác sĩ Long tâm sự, nhiều lúc các con cũng nhắc ba mẹ khi nào sắp xếp được cho con về quê đón Tết ở quê với ông bà, anh đã hứa nhiều lần nhưng đến nay vẫn thất hứa, chưa đưa các cháu về quê được.

“Tôi xác định đây là quê hương thứ hai, bệnh nhân là gia đình nên cố gắng vượt qua nỗi buồn, có điều kiện sẽ đưa con về” – bác sĩ Long bày tỏ.

Nhiều hoạt động hấp dẫn cho bệnh nhân

Theo điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm, Khoa Nội 1, 38 tuổi, Tết sẽ là khoản thời gian bận rộn hơn khi vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa tham gia các hoạt động đón xuân nên chị và đồng nghiệp gần như ở lại trong bệnh viện. Năm đầu tiên, đón giao thừa tôi đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà, qua thời gian được đồng nghiệp động viên, bây giờ đã quen hơn nhiều, đây là nhà. 

Bác sĩ Nguyễn Phi Khanh, Phó Giám Đốc bệnh viện, cho hay những năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các hoạt động đón Tết cho cán bộ nhân viên y tế và bệnh nhân bị hạn chế. Năm nay bệnh viện đã tổ chức được các hoạt động cho bệnh nhân như: gói bánh Chưng ngày Tết; trang trí mâm ngũ quả; chúc Tết và lì xì cho bệnh nhân, nhân viên y tế; tổ chức các trò chơi dân gian… kéo dài từ 25 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng. 

Bệnh nhân ở lại bệnh viện trang trí bàn thờ ngày Tết giống như ở nhà. Ảnh: BVCC

Năm nay các hoạt động phong phú hơn, hội thi quy mô lớn hơn ở cấp liên khoa, liên phòng, tất cả bệnh nhân tập trung về hội trường để thưởng thức văn nghệ chào đón xuân, trang trí ở mỗi khoa phòng.

Bên cạnh đó, những ngày Tết chế độ ăn của nhân viên và bệnh nhân cũng sẽ tăng lên, để họ thấy đầy đủ và ấm cúng hơn.

Mỗi khoa phòng đều có hoa mai và đào. Ảnh: BVCC

“Bệnh nhân ở Bệnh viện Nhân Ái khá đặc biệt, có người điều trị gần 20 năm không về nhà, đa số không có gia đình, không có nhà, hoặc có nhà cũng không đón Tết cùng gia đình. Mỗi năm chỉ có vài chục bệnh nhân sẽ về nhà. Những bệnh nhân ở lại thì họ đã xem đây là nhà của họ, đón Tết ở đây như đón tết ở nhà. Do đó, mình phải tổ chức những hoạt động vui chơi làm sao để họ cảm thấy đón tết vui. Nhân viên y tế và bệnh nhân cùng sum vầy, đầm ấp, vui vẻ. Giúp tinh thần bệnh nhân vui vẻ, lạc quan, an tâm để chống chọi với bệnh tật, sức khoẻ của họ cũng cải thiện hơn” – bác sĩ Khanh nói.

Màu sắc mùa xuân ngập tràn mỗi khu phòng bệnh. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Nhân Ái toạ lạc tại huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) tiếp nhận bệnh HIV ở TP HCM, huyện Bù Gia Mập và huyện Phước Long với quy mô 450 giường nội trú, 18 khoa phòng, 351 cán bộ nhân viên y tế, diện tích 165 ha. Hiện tại đang điều trị gần 450 người bệnh.


Bài và ảnh: Ng.Thuận