Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn về việc xin nhận chìm chất nạo vét trong quá trình duy tu công trình cảng.

Cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn – Thanh Hóa

Trước đó, vào tháng 11-2021, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Lọc hóa dầu Nghi Sơn) có Công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xem xét, chấp thuận vị trí nhận chìm chất nạo vét của Dự án nạo vét, duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với tổng khối lượng đề nghị hơn 7 triệu m3.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó đã họp với các sở, ban, ngành và không đồng ý cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhận chìm 7 triệu m3 bùn đất mà đề nghị đưa lên bờ để xử lý.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau đó lại có văn bản xin được làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa. Tại buổi làm việc hồi tháng 5-2022, Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục đề xuất xin nhận chìm 7 triệu m3 chất nạo vét ra biển, tuy nhiên, đề xuất trên vẫn không được đồng ý.

Thế nhưng, ngay sau hội nghị, công ty này tiếp tục văn bản xin tỉnh Thanh Hóa phê duyệt phương án và vị trí nhận chìm cho 1,8 triệu chất nạo vét trong năm 2022. UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp, giao đơn vị có liên quan làm việc với Lọc hóa dầu Nghi Sơn tính toán, xác định khối lượng chất nạo vét, đảm bảo khối lượng nhận chìm ở mức thấp nhất.

Đến tháng 7-2022, Lọc hóa dầu Nghi Sơn lại có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vị trí nhận chìm, với khối lượng nạo vét nhận chìm giảm xuống còn gần 1,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, do có một số vướng mắc, nên đến thời điểm hiện tại, khối lượng chất nạo vét trong quá trình duy tu công trình cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa được nhận chìm, vì thế UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Bộ TN-MT xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo quy định.


Tuấn Minh