Hồi nhỏ, tôi say mê những câu chuyện thần thoại Hy Lạp nhưng chẳng dám nghĩ có ngày đến tận nơi bởi hành trình ấy với một cậu bé sao xa xôi và viển vông quá.

Bay đến xứ sở các vị thần

Chuyến đi Athens của tôi và nhóm bạn được khởi nguồn từ lý do rất phổ biến: săn được vé rẻ. Chúng tôi tình cờ tìm được đường bay từ TP HCM, chuyển tiếp ở Singapore và bay thẳng đến Athens với mức giá lý tưởng so với những chuyến bay có điểm đến khác ở châu Âu.

Tác giả trên đỉnh Acropolis phóng tầm mắt bao quát Athens. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hy Lạp là cái nôi văn minh của nhân loại – nơi mà lúc ấu thơ tôi từng tin rằng trên chín tầng mây có các vị thần quyền năng, nhấm nháp mỹ vị và chơi phong cầm. Hy Lạp được xem như thánh địa của những ai yêu lịch sử và nghệ thuật. Athens chính là thủ đô văn hóa của lục địa già. Điều này càng thôi thúc tôi lên đường. Đây là lựa chọn hoàn hảo cho nhu cầu tạm thoát khỏi đời sống thường nhật của một thanh niên văn phòng bận rộn giữa đô thị đông người, tất bật đêm ngày.

Hy Lạp – góc chụp từ máy bay

Những dấu ấn vàng son chưa hề phai nhạt ở Athens – trung tâm của bao thành tựu rực rỡ về văn hóa – nghệ thuật, khoa học và triết học thời cổ đại. Khi đứng ở bất cứ góc nào của thành phố, ta đều có thể nhìn thấy đỉnh của Acropolis – khu bảo tồn lưu giữ lại những tàn tích của Athens từ 2.500 năm trước gắn liền với sự tích của nữ thần chiến tranh Hy Lạp Athena. “Acroplis” có nghĩa thuần túy là “điểm cao nhất” trong tiếng Hy Lạp, ngụ ý đây là điểm cao nhất tại Athens. Có tài liệu còn gọi Acropolis là thành phòng thủ của Athens.

Với giá vào cửa khoảng 12 euro, khu bảo tồn Acropolis là quần thể gồm nhiều công trình gần như trường tồn qua năm tháng. Đền thờ chính Parthenon thờ nữ thần Athena cao uy nghi cùng những cột trụ đá khổng lồ, đến giờ vẫn đặt câu hỏi cho giới kiến trúc về năng lực phi phàm của con người trong việc kiến tạo nên công trình có tuổi thọ vài chục thế kỷ. Đền được xây dựng khoảng năm 438 trước Công nguyên, là một trong những công trình quan trọng bậc nhất thời cổ đại Hy Lạp. Một số công trình khác cũng khiến ta khó rời mắt: Cổng chào Proylaea – cổng ngõ vào Athens cổ với những chiếc cột lớn còn dang dở dựng thành 2 hàng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, đền thờ cũ của thần Athena tồn tại từ khoảng 525 – 500 năm trước Công nguyên với hàng cột tạo hình thiếu nữ Caryatids duyên dáng, độc đáo, đền thờ nữ thần Athena và Nike – nữ thần chiến thắng – biểu trưng của công trình là tác phẩm điêu khắc thần Nike trong tư thế sửa lại quai dép.

Sống chậm, nghĩ sâu

Dạo bước trong tàn tích Acropolis chẳng khác gì trôi trong những thước phim quay chậm, lạc lối giữa bao trang sử thi. Mỗi góc đền đài, mỗi bậc thang phủ màu năm tháng, mỗi cây trụ to lớn gợi cho lữ khách một cảnh phim Hollywood hùng tráng hay bức tranh minh họa trong cuốn truyện bí ẩn, mê hoặc về các vị thần.

Thú vị nhất là lang thang hang cùng ngõ hẻm, khám phá từng ngóc ngách, để hiểu hơn về người dân và cuộc sống địa phương, để bắt trọn vài khoảnh khác đời thường. Ở Athens, một lối sống chậm len lỏi trên những con dốc hẹp. Các cửa hàng gần khu dân cư thường mở cửa lúc 10 giờ và đóng cửa khi chưa tắt nắng.

The Erechtheum qua ống kính tác giả

Chúng tôi đi bộ từ sáng sớm, quẩn quanh khá lâu để trở thành những vị khách đầu tiên của tiệm cà phê mở cửa lúc 9 giờ 30 phút. Lưng chừng buổi chiều, các cửa hàng tiện lợi đã kéo rèm, ngừng bán. Các dịch vụ ở khu trung tâm – nơi đông du khách – mở cửa muộn hơn.

Chúng tôi đi qua từng lối quanh co, che nắng mùa đông ngay dưới những hàng cam vàng trĩu quả bên đường, nghỉ mệt trong quán nhỏ, ăn tối lúc 15 giờ trong nhà hàng ẩm thực Địa Trung Hải… và lắng nghe phong vị Athens thấm sâu vào tim.

Ý thức trân trọng cổ vật, bảo vệ di sản giúp thủ đô của Hy Lạp được ví như viện bảo tàng ngoài trời khổng lồ. Quá khứ và hiện tại song hành, những công trình hàng ngàn năm tuổi kiêu hãnh sánh cùng những tòa nhà hiện đại, du khách dễ dàng bắt gặp cơ man hiện vật trên từng nẻo đường. Tất cả tạo nên sự sinh động, hấp dẫn một cách hiếm có cho Athens. 


Quang Hòa