Ngày 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.

Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số CCHC năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố (PAR INDEX 2022).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: Nhật Bắc

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng, đạt kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn phê bình tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. TTHC trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (như phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng…).

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình cải cách.

Thủ tướng đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành CCHC vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục ở một số bộ, ngành, địa phương. Một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. Trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí tham nhũng vặt.

“Ở đâu người đứng đầu quyết liệt, quan tâm, chủ động thì ở đó mang lại hiệu quả cao hơn” – Thủ tướng nhìn nhận.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải thấm nhuần quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan. Tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, nếu cần thiết thì xử lý cán bộ

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa trung ương với địa phương. Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

“Nếu cần thiết thì có các biện pháp xử lý cán bộ phù hợp; đồng thời động viên, bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung; vừa khắc phục, xử lý các mặt yếu kém, vừa thúc đẩy mặt tích cực” – Thủ tướng yêu cầu.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể, ấn định thời gian thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, đẩy nhanh việc rà soát, thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6-2023. Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định 104/2022 liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 5-2023.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, khẩn trương sửa đổi quy định chưa phù hợp về phòng cháy, chữa cháy, các quy định về đầu tư công, tài chính, ngân sách, đất đai, giải phóng mặt bằng… để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

UBND các tỉnh, thành phố trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hoàn thành trong tháng 6-2023. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bảo đảm từ ngày 1-6-2023 người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.

“Năm 2025 đạt trên 90%, năm 2023 đạt trên 85%; tỉ lệ giải quyết đúng hạn tại các trung tâm phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%. TP Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách TTHC” – Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết bên cạnh một số kết quả đạt được thì giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2022 thấp hơn 1,58% so với năm 2021. Bộ Nội vụ đã tổng hợp ý kiến phản hồi từ 36.095 người dân cho thấy không ít người dân cho rằng vẫn còn tình trạng tiêu cực của công chức trong giải quyết công việc cho người dân. 12,28% người dân được khảo sát cho rằng vẫn có tình trạng một số ít công chức gây phiền hà sách nhiễu và 1,33% cho rằng có tình trạng nhiều công chức gây phiền hà sách nhiễu.

Đáng nói theo Bộ Nội vụ, còn 10,05% người dân được khảo sát cho rằng có tình trạng một số người dân phải chi tiền ngoài quy định cho công chức để công việc được giải quyết và 1,77% cho rằng có tình trạng nhiều người dân phải trả tiền này.

Trình bày báo cáo cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành theo cơ chế một cửa với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia. Cùng với đó, đã có hơn 6.400 TTHC được công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân giám sát. Nhiều bộ, ngành, địa phương định kỳ háng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, dịch vụ công, 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn có báo cáo giải trình với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân.

Thực hiện Đề án 06, đến nay đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID). Đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, giúp tiết kiệm 1.200 tỉ đồng/năm.


Bảo Trân