Ngày 25-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam năm 2022 với nhiều kết quả tích cực. Công tác chuyển đổi số đã có sự đóng góp nhất định trong kết quả chung đó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại trụ sở Chính phủ, được kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: Nhật Bắc

Theo lãnh đạo Chính phủ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội.

“Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng cho biết việc triển khai Đề án 06 nêu trên là rất nặng nề. Theo đó, Uỷ ban vừa làm công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, vừa đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, phát triển Chính phủ số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Tại hội nghị này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đại diện các bộ ngành, địa phương thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh phải nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn làm cản trở đến việc công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, từ đó đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các ngành, địa phương chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06; xác định rõ các quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn.

Nhấn mạnh việc kết nối, khai thác, dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh lại tinh thần mọi chính sách phải hướng tới người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.

“Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chứ không phải dữ liệu của bộ, ngành nào. Tuy nhiên phải tính toán, thống nhất để đi đến hành động về việc đặt cơ sở dữ liệu quốc gia ở đâu để đảm bảo thuận lợi, an toàn, hiệu quả trong quản lý, khai thác, phát triển” – Thủ tướng nêu rõ.

Với những khó khăn trong năm 2023 đã được dự báo, Thủ tướng cho rằng công tác chuyển đổi số phải thực sự thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Xa hơn là vai trò của chuyển đổi số trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 1010 hàng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ngày 10-10-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Nhiều bộ, ngành, địa phương cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Tại hội nghị tổng kết công tác ngành TT-TT mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân và toàn diện; tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình chuyển đổi số.

Theo Bộ trưởng, đến nay, 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số lớn chưa từng có. Các giao dịch về kết nối chia sẻ dữ liệu đang tăng dần; các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động.

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được đưa lên mức độ 4 ước thực hiện năm 2022 là 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỉ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến/Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính ước thực hiện năm 2022 đạt 52,8%, vượt 2% so với kế hoạch năm 2022 và tăng 17,5% so với năm 2021.

Số lượng giao dịch trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) năm 2022 tăng trưởng đột biến, ước đạt 860 triệu giao dịch, trung bình 1 ngày khoảng 2,1 triệu lượt giao dịch, tăng gấp 4,8 lần so với năm 2021.


Minh Chiến