Chiều 19-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt hơn 1,69 triệu tỉ đồng, vượt 19,8% so dự toán Quốc hội giao đầu năm. Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán và thu ngân sách địa phương vượt 20,4%.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai thu, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu phát sinh, các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; tăng thu nợ đọng thuế, chống thất thu và phấn đấu thu đạt mức cao hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Tính đến ngày 15-12, đã thực hiện miễn, giảm, giãn khoảng 193,4 ngàn tỉ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi NSNN ước đạt xấp xỉ 1,45 triệu tỉ đồng, bằng 81,2% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành tài chính trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022. Theo Thủ tướng, kết quả khả quan trong bức tranh chung về kinh tế – xã hội có sự đóng góp không nhỏ của toàn ngành tài chính.

Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Tài chính là cơ quan “quản” nguồn lực của quốc gia thì phải phát triển được nguồn lực đó, làm sao để sử dụng hiệu quả, phân phối phù hợp. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số “điểm mờ” bên cạnh nhiều điểm sáng của ngành, tập trung vào những bất cập trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian qua. “Đây cũng là “điểm mờ” mà Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nói”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và nêu rõ 2 chính sách này phải hài hoà, kết hợp với các chính sách khác. Theo Thủ tướng, các chính sách này trục trặc thì kinh tế vĩ mô sẽ trục trặc, vì đây là chìa khoá của điều hành kinh tế vĩ mô.

“Bộ Tài chính phải bám sát định hướng chung là chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Muốn điều hành hiệu quả, các bộ ngành phải ngồi lại với nhau, không khư khư một mình được”- Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần chủ động nắm và bám sát tình hình thế giới, trong nước để có ứng phó chính sách phù hợp. Lãnh đạo Chính phủ cho rằng sự chủ động là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay để có những phản ứng nhanh nhất, hiệu quả nhất vì thực tế diễn biến rất nhanh.

Về các nhiệm vụ của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần tham mưu, đề xuất tăng chi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực, lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư.

Thủ tướng cho rằng giải ngân đầu tư công còn chậm, nhiều bộ ngành, địa phương nói vướng mắc nhưng lại không chỉ rõ vướng mắc ở đâu, không đề xuất giải pháp từ thực tiễn. Nhấn mạnh đây là điểm nghẽn lớn, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương – nơi nắm giữ hơn 70% vốn đầu tư công – cần quyết liệt hành động để giải ngân tốt hơn.

Đối với các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, TPDN, Thủ tướng lưu ý phải nâng cao chất lượng, minh bạch, công khai để phát triển bền vững. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần ngồi lại với DN, nhà đầu tư để tìm ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng nói đến việc sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ sau 4 tháng ban hành và cho rằng khi chính sách chưa phù hợp với thực tế thì cần tháo gỡ và lắng nghe các bên để sửa đổi chính sách nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu không để xảy ra tình trạng “chạy chọt” trong phân bổ ngân sách. Theo Thủ tướng, trong phân bổ ngân sách, địa phương nào cũng muốn được nhiều nhưng “chiếc bánh” ngân sách chỉ có như vậy, nếu địa phương này nhiều thì địa phương khác lại ít đi.

Trong vấn đề này, Thủ tướng cho rằng phải thay đổi tư duy, cách tiệp cận, thay vì xin phần trăm phân bổ ngân sách thì các địa phương cần đề xuất, xin cơ chế chính sách để làm cho “chiếc bánh” ngân sách to lên, từ đó sẽ phân bổ trở lại mức hợp lý hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xin thêm phần trăm phân bổ ngân sách có thể phát sinh tiêu cực, chạy chọt, do đó cần có tiêu chí, tiêu chuẩn phân bổ một cách hợp lý. “Tất cả phải có trách nhiệm, vì quốc gia dân tộc, vì lợi ích nhân dân”- Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, nhưng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong năm vẫn chậm. Tính đến ngày 15-12, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, thu về 3,6 ngàn tỉ đồng, trong khi dự toán khoản thu này nộp vào NSNN Quốc hội quyết định năm 2022 là 30 ngàn tỉ đồng.


Minh Chiến