Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn IPPG, nhấn mạnh để tạo đột phá cho du lịch, có thể đầu tư để phát triển thị trường kinh doanh hàng miễn thuế tại Việt Nam. Các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay trên thế giới như Mỹ, châu Âu… đều sử dụng mô hình Factory Outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Đặc điểm thu hút của các khu Factory Outlet là hàng hóa phong phú và được giảm giá rất mạnh (từ 50%-90%) so với nguyên giá. Một trong những yếu tố chính là giá cạnh tranh so với khu vực và để có thể cạnh tranh được, cần có các chính sách hỗ trợ cho du khách được mua hàng này trong khu phi thuế quan. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét việc xây dựng cơ chế chính sách khu phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại – du lịch.

Du khách quốc tế mua sắm tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị các tổ chức, địa phương, hiệp hội du lịch cùng đề xuất với Chính phủ sớm ban hành các chính sách để Việt Nam sẽ có những Factory Outlet trong khu miễn thuế đầu tiên của cả khu vực.

Giá bán lẻ tại các khu này sẽ rẻ như ở Mỹ hoặc Milan (Ý), du khách từ các nước lân cận sẽ đổ về Việt Nam mua sắm, kéo theo các dịch vụ khác tăng cộng hưởng và ngành du lịch Việt Nam sẽ có bước nhảy vượt bậc…

“Việc đầu tư Factory Outlet có đặc thù, cần phải có các khu trung tâm thương mại bán hàng trên phố đủ điều kiện thì các thương hiệu mới đồng ý mở các khu này. Do đó, để có thể đầu tư được mô hình cửa hàng này tại Việt Nam, cần thiết phải thúc đẩy việc phát triển các trung tâm thương mại, khu phố thương mại, tương tự đường Orchard Road tại Singapore” – ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Ngoài ra, các Cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown Duty Free) được triển khai cũng là một cơ hội lớn cho Việt Nam để tăng cường nguồn thu từ ngành du lịch.

Để triển khai có hiệu quả giải pháp này, cần sự hợp tác giữa đơn vị hàng không, lữ hành, du lịch, khách sạn, liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp phục vụ ngành du lịch. Các hãng hàng không sẽ “bắt tay” với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành.

Mô hình này đã được tập đoàn IPPG thực hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Riêng tại trung tâm mua sắm Lotte ở Seoul – Hàn Quốc, doanh thu đến từ mua sắm đạt 10 tỉ USD, nếu chia 10% cho các công ty lữ hành thì họ sẽ được nguồn hỗ trợ tài chính tới 1 tỉ USD. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục…

“Nếu chúng ta có đầy đủ các loại hình du lịch mua sắm chất lượng sẽ giữ được ngoại tệ trong nước, du khách quốc tế đem tiền vào sẽ có nhiều thứ để tiêu xài thoải mái, không như hiện nay họ đang “đem tiền đến rồi lại mang về” – ông Johnathan Hạnh Nguyễn tin tưởng.

Ngày 15-3 tới là mốc 1 năm ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng. Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, 18 triệu lượt khách quốc tế nhưng năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ khoảng 3,7 triệu lượt dù ngành du lịch mở cửa từ rất sớm.


Thái Phương