Đề giải quyết tình trạng thất nghiệp, chính quyền tỉnh Quảng Đông (duy trì vị thế là tỉnh giàu nhất Trung Quốc trong hơn 30 năm qua) hồi tháng trước đưa ra kế hoạch gửi 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, thanh niên đến các làng nông thôn để hồi sinh nền kinh tế địa phương.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, sẽ có 300.000 thanh niên được đào tạo nâng cao tay nghề “trở về nông thôn để phát triển nông thôn”. Trong số những người tham gia, 10.000 người dự kiến sẽ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi 10.000 người khác sẽ nhận được sự giúp đỡ để thành lập doanh nghiệp mới.

Giới chức cũng khuyến khích thanh niên nông thôn trở về quê tìm việc.

Quang cảnh đông đúc tại hội chợ việc làm ở TP Trùng Khánh vào ngày 11-4. Ảnh: CNN

Thông báo này được đưa ra sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12 năm ngoái về việc thanh niên thành thị tìm kiếm việc làm ở các vùng nông thôn trong nỗ lực “phục hồi nền kinh tế nông thôn”.

Theo đài CNN, kế hoạch của giới chức tỉnh Quảng Đông đưa ra trong bối cảnh dữ liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 ở nước này trong tháng 3 là 19,6%, tăng gần 3% so với cách đây ba tháng và cao nhất kể từ khi chỉ số này được ghi nhận (2018).

Điều đó có nghĩa là khoảng 11 triệu thanh niên thất nghiệp ở các thành thị Trung Quốc, theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu có sẵn gần đây nhất từ ​​Cục Thống kê Trung Quốc.

Tỉ lệ thất nghiệp được khảo sát của Trung Quốc đối với những người từ 16 đến 24 tuổi tăng lên 19,6% trong tháng 3. Ảnh: Tân Hoa Xã

CNN cho rằng tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên có thể tăng hơn nữa. Hơn 11,6 triệu sinh viên đại học sắp tốt nghiệp trong năm nay có nguy cơ thất nghiệp trước bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19.

Thị trường việc làm tại Trung Quốc vốn đã khắc nghiệt, với gần 20% thanh niên không có việc làm. Số lượng người di cư vào cuối tháng 3 đã tăng 2,3% so với một năm trước đó và tăng 3,1% so với cuối tháng 3-2019 tức là trước khi COVID-19 bùng phát.

Một người tìm việc đến từ một thành phố nhỏ ở tỉnh Quảng Đông đã đến TP Thẩm Quyến từ cuối tháng 3 than thở: “Tôi đã ở đây 3 ngày rồi nhưng không hề có tuyển dụng nào phù hợp với kỹ năng của tôi”.

Trong khi đó, theo trang Sina, một trong những lý do khiến thị trường lao động trầm lắng là do sản xuất chậm chạp. Lạm phát làm giảm nhu cầu ở nước ngoài đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 3 tăng trưởng với tốc độ 3,0%, chậm lại so với mức tăng trưởng hàng năm là 3,6% vào năm 2022.


Huệ Bình