Vài giờ sau khi ông Johnson tuyên bố từ chức, ông Biden cho hay: “Anh và Mỹ là những người bạn và đồng minh thân thiết nhất và mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước vẫn bền chặt lâu dài. Tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Anh, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới trong một loạt ưu tiên quan trọng”.

Ông Biden nói thêm điều đó bao gồm việc duy trì cách tiếp cận mạnh mẽ và đoàn kết để hỗ trợ người dân Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt tay trong một cuộc họp của NATO hôm 30-6. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết ông Biden và ông Johnson đã gặp nhau gần đây trong chuyến công du của tổng thống Mỹ tới châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 6-7 khẳng định rằng bất chấp bất ổn chính trị ở Anh, mối quan hệ bền chặt giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì. Bà Ardern nói: “Trong suốt thời gian tại vị, chúng tôi đã làm việc cực kỳ hiệu quả với cả cựu Thủ tướng Theresa May và sau đó là ông Boris Johnson, nhằm đảm bảo một thỏa thuận Thương mại Tự do cực kỳ quan trọng với Anh. Tôi hoàn toàn mong đợi sự hợp tác này sẽ tiếp tục”.

Thủ tướng Johnson đã chính thức tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ sau khi hàng loạt quan chức thôi việc nhằm gây áp lực lên thủ tướng. Ông cũng khẳng định sẽ từ chức thủ tướng nhưng chỉ sau khi đảng chọn ra người kế nhiệm.

Theo hãng tin Reuters, một số chính trị gia, gồm cựu Bộ trưởng BREXIT David Frost, đã lên tiếng phản đối việc ông Johnson tiếp tục giữ chức thủ tướng Anh cho tới mùa thu năm nay.

Theo chính trị gia này, ông Johnson không thể đảm nhận vai trò thủ tướng tạm quyền khi cuộc bầu cử lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ diễn ra. Thay vào đó, người nắm vai trò tạm quyền nên là Phó thủ tướng Dominic Raab.

Trong diễn biến mới nhất, nghị sĩ Tom Tugendhat, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, hôm 7-7 tuyên bố ứng cử làm thủ tướng kế nhiệm ông Johnson. Như vậy, ông Tugendhat trở thành ứng viên đầu tiên tham gia cuộc đua này.

Nghị sĩ Tom Tugendhat, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, tuyên bố ứng cử làm thủ tướng kế nhiệm ông Johnson. Ảnh: PA

Khi tuyên bố tranh cử, ông Tugendhat đặt mục tiêu mang năng lượng và ý tưởng mới cho chính phủ Anh, đồng thời hàn gắn những chia rẽ trong đất nước sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Ông kêu gọi giảm thuế để hỗ trợ cuộc sống của người lao động, giảm giá nhiên liệu và bình ổn giá tiêu dùng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace và ông Rishi Sunak, người vừa từ chức bộ trưởng tài chính đầu tuần này, đang là những cái tên tiềm năng dẫn đầu cuộc đua trở thành người kế nhiệm ông Johnson.

Ông Wallace chưa tiết lộ liệu ông có quan tâm đến việc tranh cử hay không trong khi ông Sunak đang dẫn đầu trong số các ứng viên chính và là người duy nhất dẫn trước một chút so với nghị sĩ Keir Starmer của đảng Lao động đối lập.

Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace. Ảnh: AP

Ông Rishi Sunak, người vừa từ chức bộ trưởng tài chính đầu tuần này. Ảnh: Reuters


Xuân Mai