Ngày 14-4, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM, chủ trì buổi giám sát kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 02 năm 2022 của HĐND TP HCM về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh thật sự khó khăn trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho hay sẽ khắc phục những mặt chưa làm được và xây dựng kế hoạch tuyên truyền để thực hiện Nghị quyết 02 tốt hơn.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, tính đến ngày 12-4, chỉ có 17/22 đơn vị báo cáo việc xét duyệt và chi trả cho 1.443 người theo quy định tại Nghị quyết 02 với tổng kinh phí hơn 7,9 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 02 cũng còn một số khó khăn, tồn tại. Trong đó, việc quản lý thông tin, dữ liệu các nhóm đối tượng chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn dẫn đến việc rà soát, xét duyệt hồ sơ đối tượng theo Nghị quyết số 02 đạt tỉ lệ thấp và địa phương không lý giải được lý do.

Điển hình là số liệu báo cáo về trẻ em mồ côi được chăm lo tết Nguyên đán 2023 không được hưởng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ là 6.326 trẻ. Trong khi đó, việc xét duyệt hồ sơ đề xuất cho trẻ mồ côi được hưởng theo Nghị quyết số 02 là 533 trẻ em, đạt tỉ lệ 8,42%.

Đến thời điểm hiện nay vẫn còn 5/22 đơn vị (quận 1, quận 7, quận 12, quận Tân Bình và huyện Bình Chánh) không báo cáo việc xét duyệt và chi trả cho đối tượng theo Nghị quyết số 02.

Đại biểu HĐND TP HCM Tăng Hữu Phong.

Phát biểu tại buổi giám sát, đại biểu HĐND TP HCM Tăng Hữu Phong cho rằng Nghị quyết 02 mang tính nhân văn nhưng kết quả thực hiện thấp, cũng có nguyên nhân từ việc tổ chức triển khai chậm.

“Nghị quyết 02 được ban hành 7-4-2022, nhưng ngày 10-8, tức hơn 4 tháng sau mới triển khai nghị quyết, trong khi đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì mới qua dịch COVID-19, nhiều đối tượng cần hỗ trợ. Mình mất hơn 4 tháng để có văn bản phân công phòng ban triển khai. Hơn nữa, cũng mất tới 7 tháng mới ban hành danh mục hồ sơ. Khâu triển khai có vấn đề chứ không chỉ riêng quận, huyện làm chậm” – ông Tăng Hữu Phong thẳng thắn nhìn nhận.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Nga đề nghị cần có bộ cẩm nang hướng dẫn đồng bộ các chính sách chăm lo ăn sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố. Bà Nga cũng đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP rà soát để xây dựng bộ dữ liệu chuẩn để thực hiện tốt hơn cho Nghị quyết 02 cũng như những chính sách chăm lo cho người dân.

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM Cao Thanh Bình cho biết sẽ báo cáo Thường trực HĐND TP HCM về trường hợp 5 địa phương chưa báo cáo để cân nhắc việc giám sát.

Kết luận buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình yêu cầu: “Số trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố là 6.326 cháu. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH TP khảo sát bao nhiêu trẻ nằm trong diện của Nghị định 20/2021, bao nhiêu trẻ nằm trong diện Nghị quyết 02, bao nhiêu trẻ nhà khả giả có điều kiện, số còn lại là vì sao không được hỗ trợ. Từ đó tính toán về thủ tục pháp lý như thế nào để bổ sung đưa vào Nghị quyết 02”.

Theo ông Bình, đây là chính sách nhân văn nên việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 02 là cần thiết. Ông đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, cố gắng tháng 8 và 9-2023 có sơ kết nghị quyết, để tháng 10-2023 kịp hoàn chỉnh hồ sơ để trình điều chỉnh nghị quyết. “Kỳ họp cuối năm phải trình Nghị quyết 02 vì hết năm 2023 là hết hiệu lực. Vì vậy, cần lọc để bổ sung thêm nhóm đối tượng và kéo dài thời gian triển khai nghị quyết” – ông Bình nhấn mạnh.


Q.Bảo