Ngày 2-11, Sở Công Thương TP HCM có văn bản gửi UBND thành phồ về việc đề xuất lập tổ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhằm thực hiện vai trò tham mưu cho thành phố giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng xăng, dầu trên địa bàn. 

Cụ thể, tổ công tác có trách nhiệm đề xuất cơ chế, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng xăng dầu của TP HCM, đôn đốc quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong phạm vi hoạt động này.

Theo đề xuất, tổ công tác do phó chủ tịch UBND TP HCM (phụ trách lĩnh vực kinh tế) làm tổ trưởng, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Công Thương làm tổ phó. 

Thành viên tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị Cục Thuế, Cục Hải quan, Công an, Cục Quản lý thị trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là tham mưu UBND thành phố các giải pháp để điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu trên địa bàn trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của thành phố; đề xuất các cơ chế, giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế gây tác động, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng xăng dầu. Tổ Công tác cũng sẽ theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo Sở Công Thương, hiện những tác động của tình hình thị trường xăng dầu thế giới và trong nước đã ảnh hưởng đến nguồn cung ứng và hoạt động phân phối xăng dầu trên địa bàn. 

Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TP HCM tiếp tục quá tải

“Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường cung cầu xăng dầu, việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố tiếp tục còn nhiều khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng và gián đoạn cục bộ chuỗi cung ứng xăng dầu. Trong những ngày qua vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã đăng ký mua xăng dầu nhưng đơn vị cung cấp chưa kịp thời cung cấp hoặc cung cấp hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu hàng, kinh doanh gián đoạn hoặc chỉ bán với một lượng nhất định (từ 20.000 đồng – 50.000 đồng/xe máy/lượt hoặc 200.000 đồng – 300.000 đồng/xe hơi/lượt)” – Sở Công Thương nêu tình hình. 

Theo thống kê của sở này, tính đến 17 giờ ngày 1-11, trên địa bàn thành phố có 111/550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu mặt hàng xăng, tương đương khoảng 20% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang thiếu xăng. 

Theo Sở Công Thương, bên cạnh giải pháp để góp phần ổn định xăng dầu, đơn vị này đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp cung ứng để nắm bắt tình hình, ghi nhận khó khăn và hỗ trợ tháo gỡ. “Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tử phía các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, duy trì điều kiện kinh doanh, hoạt động cung ứng xăng dầu” – văn bản Sở Công Thương nêu. 

Trước đó, tại buổi họp về tình hình kinh tế xã hội về tình hình kinh tế – xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11.2022, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết tình trạng thiếu xăng dầu này xuất phát từ nguồn cung đang thiếu hụt, đặc biệt khi đơn vị đầu mối lớn trước đây cung ứng 100.000 m3/tháng là Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil bị tước giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, cơ chế điều hành xăng dầu hiện vẫn chưa hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp bán lẻ hoạt động rất khó khăn, có đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp nên tạm đóng cửa.

Sở Công Thương đã vận động các đơn vị có nguồn hàng lớn như Petrolimex chia sẻ. Tuy vậy, tình trạng thiếu hụt vẫn đang xảy ra nhiều tại một số khu vực, chủ yếu là cửa hàng nhỏ lẻ ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh, quận 12…


Thanh Nhân; Ảnh: Quang Liêm