Đối với người lao động (NLĐ), thu nhập (gồm tiền lương và các khoản phụ cấp) là vấn đề quan tâm hàng đầu. Lợi dụng điều này, không ít người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã áp dụng biện pháp trừ lương, phụ cấp như là một hình thức chế tài nhằm buộc NLĐ phải tuân thủ yêu cầu doanh nghiệp (DN) đặt ra. Hành vi này khiến quan hệ lao động tại DN bất ổn.

Không đúng luật

Mới đây, hơn 300 công nhân (CN) Công ty TNHH S.I (tỉnh Đồng Nai) đã ngừng việc tập thể để phản đối việc bị trừ tiền lương. Cụ thể, trong kỳ lương tháng 3-2023 trả vào ngày 10-4, lương của họ bị trừ 15%-25% (từ 200.000 – 1 triệu đồng/người). Lý do công ty đưa ra là để bồi thường số sản phẩm hỏng không thể sửa chữa và tiêu hao vật tư quá định mức cho phép theo kế hoạch sản xuất. Nếu tháng sau tỉ lệ sản phẩm hỏng giảm xuống thì công ty sẽ trả lại số tiền đã trừ cho NLĐ trong vòng 3 tháng.

Theo đại diện công ty, việc trừ lương nhằm mục đích để NLĐ hiểu được trách nhiệm và nâng cao ý thức trong hoạt động sản xuất. Thế nhưng, theo số CN nói trên, việc công ty trừ lương cào bằng thiếu căn cứ là khó chấp nhận. “Việc bồi thường phải có bằng chứng, đúng quy trình và tùy vào mức độ thiệt hại từng cá nhân gây ra chứ không thể đánh đồng như cách công ty thực hiện” – một số CN bức xúc. Sau khi Công đoàn KCN Biên Hòa can thiệp, công ty đã phải thu hồi thông báo trừ lương và trả lại khoản tiền đã khấu trừ cho CN.

Trừ lương tùy tiện là một trong những nguyên nhân gây tranh chấp lao động tập thể ở một doanh nghiệp tại quận 12, TP HCM

Khi NLĐ nghỉ phép năm sẽ bị công ty trừ các khoản phụ cấp như tiền ăn, tiền xăng, phụ cấp nguyệt san, thưởng tháng 13… là một trong những nguyên nhân gây tranh chấp lao động tập thể kéo dài gần 1 tuần tại Công ty TNHH V.G (tỉnh Nghệ An). Vụ việc chỉ được giải quyết khi DN cam kết không trừ các khoản phụ cấp khi NLĐ nghỉ phép. Đồng thời, thưởng lương tháng 13 sẽ căn cứ thời gian làm việc thực tế, không khấu trừ theo thời gian nghỉ phép của CN.

Tương tự, theo hợp đồng lao động, mỗi năm CN Công ty TNHH A.G (TP HCM) được hưởng 14 ngày phép năm. Tuy nhiên, CN nghỉ phép năm dù được sự đồng ý của công ty thì vẫn bị trừ lương ngày đó. CN nghỉ không phép 1 ngày hoặc có phép từ 2 ngày trở lên thì ngoài tiền lương các ngày nghỉ, CN cũng bị mất luôn tiền chuyên cần (300.000 đồng/người) và bị hạ bậc lương (500.000 đồng/người/tháng). Vì bị trừ tiền vô tội vạ như vậy nên đa số CN không dám nghỉ, giữ nguyên ngày phép để được nhận tiền vào cuối năm. Tuy nhiên, công ty không chi trả nên đã dẫn đến tranh chấp lao động tập thể.

Gây ức chế cho công nhân

Hiện nay, hình thức trừ lương, phụ cấp được DN áp dụng rất phổ biến và có vô số lý do để trừ lương NLĐ, chẳng hạn như đi trễ, không đeo thẻ, nghe điện thoại, hút thuốc lá trong giờ làm việc, mặc đồng phục không đúng quy định…

Chị Phạm Thị Lành – CN một DN may mặc tại huyện Hóc Môn, TP HCM – cho hay chỉ cần đi trễ 10 phút thì NLĐ bị trừ nửa ngày lương. “Gặp trường hợp bất khả kháng như xe hư hay kẹt xe, tôi cảm thấy rất ức chế, nhưng vẫn phải chấp nhận làm nửa ngày không công vì nếu nghỉ 1 ngày sẽ bị trừ phụ cấp chuyên cần lên đến 500.000 đồng/tháng” – chị Lành cho biết. Điều đáng nói là trong hợp đồng lao động ký với chị Lành cũng như nội quy lao động công ty không có quy định về việc trừ lương khi đi trễ. Thế nhưng công ty vẫn được thực hiện nhiều năm qua. NLĐ vì muốn giữ việc làm nên cũng không ai dám có ý kiến với DN.

Còn chị Nguyễn Ngọc Thanh – nhân viên kinh doanh một DN tại quận 1, TP HCM – rất bức xúc vì bị trừ thưởng nhiều tháng qua để bồi thường thiệt hại không do mình gây ra. Theo đó, sau khi tìm kiếm và ký kết hợp đồng mua bán với khách hàng, trách nhiệm giao hàng và thanh toán tiền hàng do bộ phận giao hàng và kế toán phụ trách. Tuy nhiên, khi phát sinh tình huống khách hàng xù nợ gần 70 triệu đồng, công ty lại quy trách nhiệm cho chị. Hậu quả là khoản thưởng doanh số của các tháng làm việc sau đó của chị bị công ty cắt sạch để bù vào khoản nợ của khách. Khi chị Thanh thắc mắc thì công ty đưa ra quy chế thưởng trong đó có nội dung không để phát sinh công nợ. “Khoản bị trừ là thưởng, không phải lương. Hơn nữa, quy chế thưởng do công ty đơn phương quy định nên tôi cũng không làm được gì” – chị Thanh rầu rĩ.

Nghiêm cấm hành vi phạt tiền, cắt lương

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành, phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Mặt khác, điều 102 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ theo quy định tại điều 129 của bộ luật này. Như vậy, các hình thức trừ lương khi NLĐ vi phạm nội quy, kỷ luật lao động là trái quy định pháp luật. Đồng thời, khi DN dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động có thể bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều DN tìm cách lách luật để thực hiện. Theo đó, các DN sẽ chia lương NLĐ ra thành nhiều phần gồm lương cơ bản, phụ cấp, tiền thưởng… Khi NLĐ vi phạm quy định do DN đặt ra sẽ bị trừ phụ cấp, thưởng… “Bản chất phụ cấp hay thưởng cũng là tiền lương của NLĐ nhưng vì tên gọi khác nhau nên hành vi này của DN gây thiệt thòi quyền lợi NLĐ. Đây là kẽ hở cần có giải pháp khắc phục để bảo đảm đúng tinh thần của pháp luật lao động” – luật sư Phúc nói.


Bài và ảnh: HƯƠNG HUYỀN