Trên Quốc lộ 1 đoạn qua quận Bình Tân, TP HCM ngay trước thềm năm mới Quý Mão 2 ngày (ngày 20-1-2023), Đội CSGT An Lạc thuộc Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an TP HCM phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO sử dụng xe hút kim loại rà tìm nhiều lần.

Gặp lại “hiệp sĩ trị đinh tặc”

Chỉ trong lượt di chuyển đầu tiên, rất nhiều vật nhọn bằng sắt được phát hiện, hầu hết là đinh hình thoi với 4 cạnh sắc nhọn. Một cán bộ CSGT cho biết người đi xe máy nếu cán phải thì rất dễ ngã, nguy hiểm đến tính mạng.

Cảm giác “gai người” ấy khiến chúng tôi nhớ và tìm tới nhà ông Đinh Minh Cảnh (51 tuổi, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh). Ông Cảnh chạy xe ôm, đồng thời là nhân tố quan trọng “tạo cảm hứng” thành lập “Đội hình hút đinh hỗ trợ giao thông” tại huyện Bình Chánh.

Nhiều đinh hình thoi được Đội CSGT An Lạc phối hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO phát hiện trên Quốc lộ 1 những ngày Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: Ý LINH

Mở đầu câu chuyện với ánh mắt đăm chiêu, ông Cảnh cho biết nạn “đinh tặc” xuất hiện và được nhắc tới nhiều từ hơn chục năm trước. Năm 2006, nhiều lần chứng kiến người đi xe máy cán phải đinh, vật nhọn làm nổ bánh xe không chỉ nguy hiểm mà còn bị mất tiền trong ấm ức, ông bắt đầu đi gom nhặt đinh, vật nhọn trên đường. Người đàn ông đánh giá so với các năm trước, tình trạng rải đinh trên Quốc lộ 1 hiện giờ đã giảm. Dù giảm nhưng với số lượng như chỉ hôm 20-1 thì mối nguy hiểm vẫn luôn rình rập người dân.

Cũng theo ông Cảnh, nạn rải đinh xảy ra mỗi ngày trên Quốc lộ 1 nhưng rầm rộ nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán khi có đông người đi xe máy từ TP HCM về các tỉnh miền Tây ăn Tết. Thay vì gọi là “đinh tặc”, ông và người dân đặt tên là “nạn phá xe”. Lý do, nếu xe cán vào những vật nhọn bị rải trên đường rất dễ bị nổ lốp, thậm chí hư hỏng xe nghiêm trọng.

“Năm trước dịch COVID-19, chỉ trong mấy ngày Tết, tôi chứng kiến tổng cộng có 23 vụ cán đinh té xe. Bà con về Tết với lỉnh kỉnh đồ đạc phải dắt bộ cả đoạn dài tìm chỗ vá. Kiếm được chỗ thì có nguy cơ bị tụi sửa xe “đồ tể” phá xe, bị “chặt” giá cắt cổ rồi xảy ra gây gổ” – ông Cảnh kể và cho hay năm nay thì người bị nạn ít hơn. Một phần nhờ sự vào cuộc của lực lượng chức năng, đoàn thể, phần khác hình như người dân có… kinh nghiệm, khi chạy xe máy qua đây sẽ chậm lại để tránh cán đinh, mất lái.

Đoạn Quốc lộ 1 qua quận Bình Tân là “địa chỉ ưa thích” của “đinh tặc”. Ảnh: Ý LINH

Về mối quan hệ giữa các điểm vá, sửa xe dọc Quốc lộ 1 và những đối tượng rải đinh trên đường, theo ông Cảnh rất khó để chứng minh có liên quan. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bản thân, ông và những nạn nhân thấy họ có chung lợi ích. Ông Cảnh dẫn chứng mới đây nhất là ngày mùng 2 Tết, ông kéo xe hút đinh 2 lượt gần 40 km trên Quốc lộ 1 từ xã Tân Quý Tân qua vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) nhưng không có cây đinh, sắt thép, ghim bấm nào. Cũng lúc này, 3-4 tiệm sửa xe dọc tuyến đều đóng cửa. “Mình không chắc tiệm sửa xe rải vì chưa bắt được tận tay nhưng rõ ràng 2 đối tượng này có cùng lợi ích, sống ký sinh lẫn nhau bằng cách bòn rút tiền của người gặp nạn” – ông Cảnh bày tỏ.

Gắn trách nhiệm vào cán bộ nhiều hơn

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận hành vi rải đinh trên đường vô cùng nguy hiểm, gây bức xúc cho người tham gia giao thông, gây mất an ninh trật tự xã hội. Do đó, pháp luật quy định về xử phạt rất nghiêm khắc đối với người thực hiện hành vi này. Cụ thể, khoản 10 điều 11 Nghị định 100/2019 quy định người có hành vi rải đinh, vật nhọn… trên đường có thể bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, nếu xảy ra trường hợp tài xế chạy xe với tốc độ cao hoặc chạy xe vào trời tối vô tình cán phải đinh, vật sắc nhọn rải trên đường gây tai nạn giao thông thì “đinh tặc” có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cản trở giao thông đường bộ”, bị phạt tiền đến 300 triệu đồng và đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Bên cạnh đó, còn có thể bị xem xét tội danh “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm tù.

Ông Đinh Minh Cảnh với chiếc xe cùng cả ký đinh thu dọn được trên đường. Ảnh: HUẾ XUÂN

Cũng theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, khi tình trạng rải đinh xảy ra, trách nhiệm trước hết thuộc về công an khu vực, trưởng công an, chủ tịch và bí thư phường, xã. “Không thể có chuyện để người ở nơi khác dễ dàng đến rải đinh và mở tiệm sửa xe “đón lõng” nạn nhân rồi chặt chém… Cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, vận động, nhắc nhở người dân để hạn chế tối đa nạn rải đinh xảy ra” – luật sư Tuấn nêu ý kiến.

Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận xét những “đinh tặc” trên đường phố đang trục lợi bất chính, coi thường tài sản, tính mạng của người khác. Trước sự tồn tại dai dẳng của nạn rải đinh, ngoài tuyên truyền, giáo dục thì cần có các biện pháp giám sát để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm cho chúng chùn tay.

“Nên chăng, TP HCM nêu gương xử lý nghiêm cán bộ địa phương để xảy ra tình trạng đinh tặc hoành hành gây bất an, bức xúc cho người dân. Đây hứa hẹn sẽ là cách hữu hiệu để bảo đảm việc giám sát, phát hiện và xử nghiêm đinh tặc ở các địa phương” – luật sư Tuyết nói.

5 năm hút gần 300 kg đinh

Năm 2006, ông Đinh Minh Cảnh phát hiện 2 đối tượng đi rải đinh và báo cho Công an huyện Bình Chánh. Công an khám xét nơi ở của họ, phát hiện rất nhiều đinh tương tự. Thời gian sau đó, nạn rải đinh trên Quốc lộ 1 giảm hẳn.

“Nhưng đến năm 2012 thì nạn rải đinh tái diễn cho đến nay. Chỉ tính từ khoảng năm 2015-2020, xe tôi đã hút được gần 300 kg đinh sắt, vật nhọn. Ngày thường, mỗi lần hút được cỡ nửa chén gồm đinh hình thoi, dây thắng bằng thép bị cắt thành đoạn nhỏ… ” – ông Cảnh kể.


Ý LINH