Triển lãm do hãng Leica tổ chức nhân kỷ niêm 50 năm bức hình “Napalm girl” của tác giả Nick Út chụp hoạt động tại Hollywood – Mỹ, Việt Nam trước năm 1975 với tư cách phóng viên chiến trường của hãng AP (Mỹ), trong đó có nhiều ảnh chup tại Trảng Bàng – Tây Ninh đầu năm 1972.

Nhiếp ảnh gia Nick Út (trái)

Từ Singapore, nhiếp ảnh gia Nick Út cho biết triển lãm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các giới chức, văn nghê sĩ, truyền thông Singapore và quốc tế. Dự lễ khai mạc có gần 300 khách VIP, công chúng và du khách quốc tế tại Singapore.

Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông quốc tế tại Singapore, nhiếp ảnh gia Nick Út nói: “50 năm qua, nhiều lần ngồi một mình nhìn bức ảnh, nước mắt tôi cứ trào ra. Đã từng chứng kiến sự tàn phá khốc liệt và di chứng của chiến tranh, tôi luôn mong ước hòa bình sẽ hiện hữu mãi mãi trên thế giới. Cuộc gặp gỡ này rất có ý nghĩa, vì đây là lần đầu tiên sau 50 năm, tôi có mặt tại đảo quốc sư tử bởi một cuộc triển lãm mang thông điệp hòa bình đến với mọi người”.

Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Trước đó tại Việt Nam, nhiếp ảnh gia Nick Út và Kim Phúc – nhân vật trong bức hình vừa có chuyến trở về huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) hội ngộ cùng bạn bè và gia đình tại nơi ông chụp bức ảnh “Em bé Napalm” cách đây 50 năm. Bức ảnh từng được đăng tải khắp thế giới, góp phần đem lại hòa bình cho Việt Nam. Tại đây, hai nhân vật huyền thoại thăm lại người thân và bạn bè, nơi mà khi xưa em bé Phan Thị Kim Phúc (9 tuổi) bị bỏng bởi bom napalm và được Nick Út đưa vào bệnh viện.

Triển lãm thu hút đông đảo du khách nước ngoài và người dân Singapore thưởng lãm

“Vết bỏng do bom napalm vẫn hằn trên cơ thể nhưng tâm hồn Kim Phúc đã được giải tỏa. Phúc không muốn nỗi đau nằm yên đó mà đã biến vết thương năm xưa trở thành vũ khí mạnh mẽ để phản đối chiến tranh. Phúc lấy vết thương trên cơ thể để minh chứng cho sự tàn khốc và phi nghĩa của chiến tranh. Kim Phúc của hiện tại là hiện thân của niềm khát khao hòa bình trên toàn thế giới” – “Em bé Napalm” cho biết.

Trông Kim Phúc năng động, xinh tươi và trẻ trung. Được biết, trước đó cô đã đi quỹ lạo hòa bình qua nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Ý, Ba Lan… cùng với nhiếp ảnh gia Nick Út.

Buổi tiệc hội ngộ ấm áp tình bạn Nick Út – Kim Phúc do gia đình Đỗ Thị Hải Yến tổ chức hôm chủ nhật (13-11) vừa qua, tại tư gia. Yến được biết đến nhiều nhất qua vai diễn Phượng trong bộ phim nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng (2002) của đạo diễn Phillip Noice chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh Graham.

Đỗ Thị Hải Yến nói: “Họ là một huyền thoại thực sự. Họ đã cống hiến cuộc sống của mình để truyền cảm hứng cho toàn thế giới về cách yêu thương và có lòng trắc ẩn đối với những trẻ em kém may mắn đang cần tình thương nhân loại”.

Nhiếp ảnh gia Nick Út tên thật Huỳnh Công Út, sinh ngày 29-3-1951 tại Long An. Ông chụp bức ảnh nổi tiếng lúc 21 tuổi, bên ngoài làng Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vào ngày 8-6-1972. Sau khi chụp ảnh, Nick Út lao vào cứu Kim Phúc – em đã bị bỏng độ 3 khoảng 30% cơ thể do nhiệt tỏa ra từ quả bom napalm lên đến 800-1.200 độ C.


Tin-ảnh: Giản Thanh Sơn