Ngày 12-12, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhằm lắng nghe, xử lý những vướng mắc mà trường đang gặp phải.

Đề nghị cho trường tiếp tục tự chủ

Tại buổi làm việc, ông Vũ Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết trong 25 năm qua trường đã phát triển liên tục ở hầu khắp các lĩnh vực như đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo… Trong đó, nổi bật về công tác kiểm định và xếp hạng ĐH, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Năm học 2021- 2022, trường đã công bố 622 công trình được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục các tạp chí ISI, 40 công trình trên Scopus…. 

Ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại buổi làm việc

25 năm qua, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có bước phát triển vượt bậc song cũng để lại những hậu quả đau lòng. Ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết cả cuộc đời ông gắn bó với trường ĐH này kể từ khi xin hồ sơ thành lập trường, xin chuyển sang trường bán công đến việc thuyết phục Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển sang công lập (2008). 

Là trường công nhưng không nhận ngân sách nhà nước, không nhận ngân sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nghĩa là về tài chính hoạt động như trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, sau khi ông nghỉ hưu, có một thời gian vị trí Chủ tịch hội đồng trường bỏ trống nên hiệu trưởng lúc đó vừa làm Bí thư, vừa làm Chủ tịch hội đồng trường lạm quyền, chỉ đạo cho thư ký sửa biên bản cuộc họp, làm cho nhà trường trở nên lộn xộn. “Đây là điều đau xót khi chúng ta lơ là trong lãnh đạo”- ông Tùng nói. Ông đề nghị Bộ GD-ĐT và Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục giao cho trường tự chủ hoàn toàn như suốt thời gian qua để trường tiếp tục phát triển.

Tạo điều kiện để trường phát triển 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận thời gian qua Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được biết đến ngày càng rộng rãi không chỉ trong nước mà cả trên thế giới thông qua các bảng xếp hạng. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (đứng) phát biểu

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải định vị mình đang ở đâu, đóng góp gì trong hệ thống giáo dục ĐH nói riêng, đóng góp gì với quốc gia dân tộc, với xã hội. Trường phải nhận thức rõ ràng và không được nhầm lẫn rằng đã là cơ sở công lập thì phải tư duy công, trách nhiệm công, hành động công. Dù có tự do, tự chủ đến đâu cũng phải xác định rõ ràng là cơ sở công thực hiện sứ mệnh công.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng định hướng trở thành ĐH nghiên cứu thể hiện nhiều ở các kết quả công bố quốc tế – đây là việc quý. Trong tổng số các công bố của các ĐH thời gian qua có đóng góp đáng kể của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nhưng các bảng xếp hạng phần lớn dựa vào công bố quốc tế, trong khi các yêu cầu của ĐH nghiên cứu cần nhiều thứ chứ không phải chỉ có công bố quốc tế. Nếu đã xác định là ĐH định hướng nghiên cứu thì câu chuyện nghiên cứu khoa học phải đặt những vấn đề lớn hơn thế. 

Bộ trưởng đặt vấn đề: Với một ĐH nghiên cứu lớn thì chiến lược nghiên cứu ở chỗ nào, những ý tưởng khoa học lớn là gì, có một chương trình khoa học lớn nào đang theo đuổi, có một nhiệm vụ khoa học đang là hoài bão theo đuổi trong 5 – 10 năm không, sản phẩm để làm niềm tự hào của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là gì… đã có chưa? Có phải 1.000 bài báo là 1.000 mảnh vở nhỏ nhưng không ghép lại thành cái gì cả… đấy có phải là nhiệm vụ của 1 ĐH nghiên cứu hàng đầu không?…. Trường cần lựa chọn trọng tâm của nghiên cứu khoa học để tập trung các nhóm nghiên cứu để làm tên tuổi thực sự của trường. Chẳng hạn như nghiên cứu về vắc- xin, tên lửa, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng muốn lớn thì phải lớn bằng những chương trình và nhiệm vụ khoa học lớn gắn với những bài toán lớn đang đặt ra như chống ngập ở TP HCM, chống biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long… “Nếu những trường tư hay những trường công nhỏ thì tôi không đặt vấn đề. Nhưng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang nhận là trường ĐH hàng đầu của đất nước mà lại là trường công thì phải lấy việc gánh vác nhiệm vụ gì cho đất nước để mình lớn lên cùng nhiệm vụ đó”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói. Theo ông, tài sản của trường là các chuyên gia đầu ngành, các nhóm nghiên cứu, đội ngũ khoa học đang đến đâu, có bao nhiêu chuyên gia đầu ngành…

Về việc mở ngành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trường cần có thêm những ngành mới nhưng đó là những ngành mới về kỹ thuật, công nghệ mà quốc gia đang cần để đóng góp. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định Bộ luôn đồng hành cùng với trường giải quyết những vướng mắc, tạo mọi điều kiện để trường phát triển nhanh chóng trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Đối diện nhiều vụ kiện

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc cho biết một số dự án đầu tư xây dựng có sai phạm hiện đã bị đình chỉ, không thanh toán cho các nhà thầu xây dựng được nên có nguy cơ bị nhà thầu kiện. Cần có biện pháp tháo gỡ để công trình xây dựng đưa vào sử dụng sớm, tránh lãng phí…

Hiện nay, trường đang tiếp tục rà soát, đề xuất các biện pháp tháo gỡ. Đặc biệt, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức xin ý kiến các cơ quan liên quan: Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP HCM, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng để có hướng khắc phục những sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản của nhà trường theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP HCM và của Tổng LĐLĐ Việt Nam.


Bài và ảnh: Huy Lân