Theo Reuters, trong đoạn video quay cảnh tướng Ukraine Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng trên bộ của Ukraine,  nói chuyện với các binh sĩ, ông cho biết Nga tiếp tục tập trung vào khu vực Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh.

“Họ không ngừng tìm cách bao vây và chiếm thành phố” – ông Syrskyi nhấn mạnh trong đoạn video đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

“Cho đến hôm nay, nhiệm vụ chính của chúng ta là tiêu diệt lực lượng áp đảo của đối phương và gây tổn thất nặng nề cho họ. Điều đó sẽ tạo điều kiện cần thiết để giúp giải phóng lãnh thổ của Ukraine và đẩy nhanh chiến thắng của chúng ta”.

Nga và Ukraine vẫn giằng co tại TP Bakhmut. Ảnh: Reuters

Bakhmut có dân số khoảng 70.000 người trước khi chiến sự nổ ra. Tuy nhiên, thành phố này hiện bị tàn phá nặng nề.

Ông Syrskyi đã có cuộc gặp quân đội Ukraine đóng gần tiền tuyến trong bối cảnh Kiev “chuẩn bị phản công”. Vị tướng này lưu ý việc bảo vệ Bakhmut là cần thiết về mặt quân sự.

Nhận xét của ông Syrskyi cho thấy Ukraine hy vọng giữ vững Bakhmut thay vì rút lui để hạn chế thương vong.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng đến thăm quân đội ở phía Đông, Nam và Đông Nam Ukraine trong tháng này. Ông Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp với chỉ huy quân sự hàng đầu tại TP Dnipro ngày 27-3. Đây là cuộc họp đầu tiên như vậy được tổ chức bên ngoài thủ đô Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.

Bà Mao Ninh. Ảnh: AP

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa kêu gọi bắt những kẻ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream phải đối mặt với hậu quả, đồng thời lên án việc Mỹ không hỗ trợ cuộc điều tra do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu về vụ việc này. 

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28-3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng thái độ của Mỹ là một ví dụ về “tiêu chuẩn kép” và “các quan chức ở Washington đang “sợ điều gì đó”.

“Trung Quốc hy vọng thủ phạm sẽ bị đưa ra trước công lý càng sớm càng tốt” – bà Mao nói thêm.

Trung Quốc, Nga và Brazil ủng hộ dự thảo nghị quyết điều tra vụ rò rỉ đường ống Nord Stream trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới đây.

Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thành lập ủy ban mở “cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch và vô tư” về vụ rò rỉ, xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái.

Tuy nhiên, Mỹ lập luận đề xuất trên nhằm phá hoại các cuộc điều tra quốc gia do Đức, Đan Mạch và Thụy Điển tiến hành.


Phạm Nghĩa