Người dân Hàn Quốc vẫn chưa hết bàng hoàng sau thảm kịch Halloween ở quận Itaewon tối 29-10. Trong khi nhà chức trách, giới truyền thông và công chúng tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra, báo The Korea Herald đã liệt kê 4 yếu tố có thể dẫn đến thảm kịch ở khu phố đêm sầm uất của thủ đô Seoul.

1. Halloween: Sự kiện không có cơ quan tổ chức

Halloween có nguồn gốc từ phương Tây nhưng là lễ hội phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc. Itaewon là địa điểm thích hợp để tổ chức sự kiện này mặc dù không có cơ quan nào đứng sau. 

Lấy ví dụ, khi lễ hội Làng toàn cầu Itaewon được tổ chức vào đầu tháng 10, con đường chính tại khu phố bị đóng cửa. Đây là sự kiện thường niên do Tổ chức Đặc khu du lịch Itaewon điều hành với sự hỗ trợ của chính quyền Seoul và quận Yongsan. 

Xe cứu thương tới Itaewon tối 29-10 sau vụ giẫm đạp. Ảnh: Yonhap

“Vì Halloween là văn hóa của người Mỹ và có rất nhiều người nước ngoài đến Itaewon nên các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện theo ý mình. Việc ngừng giao thông để tổ chức Halloween chưa bao giờ được xem xét trước đây. Các cuộc thảo luận trước ngày 29-10 là về an toàn thực phẩm, COVID-19 và vệ sinh đường phố chứ không phải về kiểm soát thảm họa và an toàn” – một quan chức quận Yongsan nói. 

Chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý trong thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon. Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 31-10 tuyên bố thiết lập hệ thống quản lý an toàn cho các sự kiện không có cơ quan tổ chức.

2. Thiếu sự hiện diện của cảnh sát và kiểm soát đám đông

Theo cảnh sát, 137 nhân viên cảnh sát đã được triển khai tại Itaewon vào tối 29-10. Khi được hỏi con số này có đủ hay không, Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc Yoon Hee-keun cho hay “rất khó để đưa ra câu trả lời chắc chắn”.

Nhiều nhân chứng nói rằng họ thấy rất ít cảnh sát làm nhiệm vụ kiểm soát đám đông. Trong một cuộc họp ngắn vào ngày 30-10, Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Lee Sang-min lưu ý việc triển khai cảnh sát hoặc lính cứu hỏa trước sự kiện “không giải quyết được vấn đề”.

Cảnh sát tại hiện trường vụ giẫm đạp ngày 31-10. Ảnh: Yonhap

GS Choi Don-mook, Khoa Kỹ thuật chữa cháy tại Trường ĐH Gachon, nói với The Korea Herald rằng có một số cách để ứng phó với đám đông ngày càng gia tăng: “Khi có nhiều người như vậy, phải tạm ngừng giao thông. Ngay cả khi đám đông tăng đột biến, nhà chức trách có thể theo dõi camera giám sát hoặc thậm chí sử dụng máy bay không người lái và áp dụng giao thông một chiều nếu cần thiết”.

Ông Steven Belsi, cha của một sinh viên Mỹ thiệt mạng trong vụ giẫm đạp, nói với đài NBC News rằng cảnh sát Hàn Quốc lẽ ra nên chuẩn bị tốt hơn.

Một người khác, ông Moon Min-sik, người sở hữu bãi đậu xe gần hiện trường, cũng cho rằng nên đóng cửa con đường: “Năm 2017, tôi nhớ một phần của con đường bị đóng cửa và cảnh sát lập hàng rào an toàn. Lẽ ra năm nay cũng nên thực hiện biện pháp tương tự”.

3. Nhu cầu vui chơi tăng cao sau khi dỡ bỏ các hạn chế COVID-19

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, Hàn Quốc đang dỡ bỏ dần các hạn chế về COVID-19. Chỉ đến cuối tháng 9 vừa qua, các cơ quan y tế mới chấm dứt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời.

Kỳ lễ Halloween năm nay rơi vào trước ngày 1-11 khi các giới hạn về giờ làm việc đối với nhà hàng và quán cafe được dỡ bỏ. Khoảng 130.000 người đã đến và đi từ ga Itaewon vào ngày 29-10, theo dữ liệu của Seoul Metro. Con số này tăng gần 30% so với ngày 26-10-2019, tuần lễ Halloween gần nhất được tổ chức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

4. Đường phố hẹp và dốc

Thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại một con dốc hẹp cạnh khách sạn Hamilton, bên ngoài lối ra số 1 của ga tàu điện ngầm Itaewon. Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy con dốc dài 45 m và chiều rộng khoảng 4 m chật cứng người.

Thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại một con dốc hẹp cạnh khách sạn Hamilton. Ảnh: Google Maps

Phía sau khách sạn Hamilton cũng là một con phố dài với nhiều nhà hàng và quán bar, kéo dài 300 m. Nơi đây thường trở thành khu vực nhộn nhịp nhất vào ban đêm. Ngay cả vào những ngày cuối tuần, đường phố vẫn bị tắc nghẽn do những người đi bộ theo các hướng khác nhau cùng một thời điểm.


Phạm Nghĩa