Vấn nạn xe dù, bến cóc và xe hợp đồng trá hình gây bức xúc đến mức mới đây, Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và Hiệp hội Vận tải ôtô các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang đã phải “cầu cứu” Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Các hiệp hội này khẳng định tình trạng nêu trên gây cạnh tranh bất bình đẳng, nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định phải dừng hoặc thu hẹp hoạt động, các bến xe có nguy cơ đóng cửa.

Thiết bị giám sát hành trình chưa phát huy hết hiệu quả

Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, cho rằng có biểu hiện mất kiểm soát trong lĩnh vực vận tải hành khách, để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình, xe đi ghép đón trả khách tại nhà hoạt động rầm rộ. Nhiều doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định bỏ bến để chạy dù hoặc chạy xe hợp đồng trá hình, công khai bán vé thu tiền trên mạng như xe chạy tuyến cố định.

Liên quan việc xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT), bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ – Bộ GTVT, cho biết theo báo cáo từ các sở GTVT, lũy kế đến hết ngày 15-11, cơ quan chức năng đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 14.843 phương tiện; chấn chỉnh, nhắc nhở 76.857 phương tiện.

Theo một số chuyên gia giao thông, lợi ích của thiết bị GSHT mới đến từ phía doanh nghiệp như: quản lý hiệu quả việc sử dụng tài sản, tiết kiệm chi phí, giám sát trực tuyến toàn bộ các hoạt động của xe, các hành vi vi phạm của tài xế. Tuy nhiên, những lợi ích đó chưa thực sự phát huy hiệu đối với cơ quan quản lý. Kiểm soát, quản lý phương tiện qua GSHT quan trọng nhất là bảo đảm 3 yếu tố: Tốc độ, hành trình phương tiện và thời gian hoạt động của tài xế. Hộp đen gắn trên các phương tiện cung cấp đầy đủ 3 thông tin trên nhưng cơ quan chức năng hầu hết chưa sử dụng được tối đa công năng của thiết bị. Bằng chứng là tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại dai dẳng và ngày càng công khai.

Thanh tra Giao thông Hà Nội kiểm tra xe khách vi phạm

Thiếu người, thiếu phần mềm lọc tự động

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thiết bị GSHT là giải pháp hữu hiệu để xử lý nạn xe dù, bến cóc. Dù vậy, sau thời gian áp dụng quy định, mục tiêu này không hoàn thành.

Nguyên nhân, theo ông Quyền, là do cơ quan quản lý không bố trí đủ nhân lực và thời gian để kiểm soát tất cả các xe đang chạy có đúng tuyến hay không. Việc kiểm soát trực tuyến xem tài xế nào đang chạy nhanh để yêu cầu giảm tốc độ, cảnh báo nguy hiểm cũng chưa thực hiện được. Chưa kể, việc cùng lúc hàng trăm ngàn phương tiện truyền dữ liệu về khiến hệ thống không đáp ứng yêu cầu.

Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết hiện có hơn 222.000 xe hợp đồng, chiếm 70% số lượng xe vận chuyển hành khách. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35%-40%, công suất của bến xe giảm từ 18%-30%. “Nhiều doanh nghiêp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy xe dù nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để” – ông Dũng nói.

Lý giải về việc vì sao chưa dùng dữ liệu từ thiết bị GSHT để kiểm soát và xử lý xe hợp đồng trá hình, xe bỏ bến, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng khó khăn nhất hiện nay là không có kinh phí xây dựng phần mềm để tự động lọc được xe nào chạy sai lộ trình, hành trình theo loại hình vận tải hay “chạy dù” trong tổng số hàng trăm ngàn phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống. Bên cạnh đó, không đủ nhân lực và thời gian để ngồi kiểm tra thủ công trên hệ thống từng xe xem có vi phạm hay không.

“Khi xe vi phạm tốc độ có thể biết được ngay, trong khi để kiểm soát hành trình của phương tiện, từ dữ liệu thiết bị GSHT phải đối chiếu với hợp đồng vận chuyển hay luồng tuyến cố định mới có kết luận chính xác” – bà Hiền giải thích.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, nhìn nhận để phát huy hiệu quả của thiết bị GSHT, quan trọng nhất là phải có phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải vận hành trên nền tảng dữ liệu thiết bị GSHT. “Hiện quy định pháp luật đã có, dữ liệu từ hơn 1 triệu phương tiện gắn thiết bị GSHT đã có, cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng phần mềm” – ông Hùng đề nghị.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Công Thủy, Phó Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái – Cục Đường bộ Việt Nam, nhấn mạnh chỉ khi xây dựng được phần mềm này thì mới có giải pháp hiệu quả kiểm soát, xử lý xe dù, xe hợp đồng trá hình…. 

Giải quyết nạn “chống lưng” cho xe dù, bến cóc

Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo Sở GTVT phối hợp lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT để theo dõi phương tiện đã được cấp phù hiệu tuyến cố định, phát hiện xe nào vi phạm thì xử lý nghiêm.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng khi đã có thông tin, có bằng chứng về xe dù, bến cóc, nếu chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xử lý thì có thể đề nghị truy trách nhiệm chính quyền địa phương và lực lượng chức năng. “Khi thông tin minh bạch, các xe, nhà xe vi phạm được công khai sẽ giải quyết được tình trạng “chống lưng” cho xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình” – ông Hùng quả quyết.


Bài và ảnh: VĂN DUẨN