Bảy anh em họp mặt hôm ấy (PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, PGS-TS Nguyễn Thành Thi, Vu Gia, PGS-TS Hoàng Dũng, PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, PGS-TS Bùi Mạnh Nhị, TS Hồ Quốc Hùng), chỉ có tôi và Bùi Mạnh Nhị có sức khỏe tệ nhất, dẫu có vài người đã từng “nếm mùi ung thư” như PGS-TS Hoàng Dũng và PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, nhưng tất cả vẫn nói cười rổn rảng.

Đến tuổi này, nhìn lại công danh, sự nghiệp, nhà cửa, vợ con,… như chúng tôi đã là cám ơn trời, bởi nói như ông cha ta: “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng khi nhìn xuống mấy ai bằng mình”. Với Bùi Mạnh Nhị cũng thế.

Hai vợ chồng đều chọn nghề dạy học, đều có học hàm, học vị, đều có sổ hưu cầm tay. Hai cô con gái đều trưởng thành, học hành tới nơi tới chốn, trở thành người hữu ích cho xã hội; nhà cửa không sang hơn ai, nhưng không sợ nắng rọi mưa dột; có bạn bè quý trọng, chia sẻ buồn vui… Với tôi, đời người được vậy, có gì bằng.

Người sống có tình

Tôi quen với Bùi Mạnh Nhị ở “Cà phê Từ Dũ” hồi thập niên 80 của thế kỷ trước – quán cà phê cóc ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh.

Lúc đó, chúng tôi còn trẻ và chập chững vào nghề viết lách nên thường đến đây để nghe lớp đàn anh bàn chuyện văn chương và gửi bài cho nhà thơ Hoài Anh (Báo Văn nghệ TPHCM) hoặc nhà văn Trần Văn Tuấn (Báo Sài Gòn giải phóng). Sau đó, chúng tôi thân nhau, qua lại với nhau.

Ảnh chụp PGS-TS Bùi Mạnh Nhị (thứ 2 từ phải qua) vào sáng 12-3-2023

Hồi con trai tôi còn nhỏ, gửi học thêm tiếng Anh ở trường mẫu giáo gần nhà anh. Ngày đó, anh ở căn hộ tập thể của Trường ĐH Sư phạm trên đường Pasteur với các anh Hồ Sĩ Hiệp, Lâm Vinh,… Trước khi đến đón con, tôi thường ghé vào căn phòng của anh trò chuyện một đỗi, và qua cửa sổ nhìn con trai mình hò hát với bạn bè.

  • Phó Giáo sư Bùi Mạnh Nhị qua đời

Anh là người sống có tình. Ngày anh đi học nghiên cứu sinh ở Nga, mỗi lần về nước đều có quà cho cả nhà tôi, như chiếc ví cho tôi, hộp phấn cho vợ tôi, con gà nhựa lên dây cót thả ra là nó nhảy tưng tưng cho con trai tôi, nó thích lắm.

Bằng nỗ lực tự thân, anh đã có những thành tựu trên đường công danh lẫn sự nghiệp. Chúng tôi mừng cho anh. Ngày tôi bị bệnh, anh cũng có lời động viên và tôi cũng xác định ai nói được tương lai? Con đường phía trước mịt mờ, sương mù trọng trọng, nhưng mỗi hành động không xấu hổ với lương tâm thì sống hay chết chẳng có gì phải lo phải sợ. Vui mà sống. Vui được ngày nào là lãi ngày đó. Niềm lạc quan của tôi vô tình lại động viên nhiều người. Hôm gặp mặt ở quán ăn tại Hội trường Thống Nhất, anh cũng nói như thế.

Bàng hoàng, không tin nổi

Sáng nay (5-4), qua Báo Người Lao Động biết tin anh qua đời, tôi có chút dao động. Sinh tử, nghe qua thật đơn giản, thế nhưng không đơn giản chút nào, bởi mỗi người có tính cách khác biệt, suy nghĩ khác biệt, cảm ngộ cuộc đời khác biệt, kinh lịch khác biệt, cuối cùng dẫn đến mỗi người đối với sinh tử có cách nhìn tuyệt đối không giống nhau. Do đó, đọc cho vui, nghe cho vui, thế thôi.

PGS-TS Đinh Phan Cẩm Vân, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chia sẻ: “Sáng qua, tôi còn đến chơi, trò chuyện khoảng 30 phút. Không ngờ nhanh đến thế. Bàng hoàng, không tin nổi”.

Tin cũng được, không tin cũng chẳng sao, nhưng một khi đến tuổi xế chiều đều có thể thấy thế gian này hết thảy đều có định số, là phúc hay họa không đến cuối cùng ai cũng không biết. Những gì hiện ra trước mắt cũng chỉ là quá trình diễn biến cuộc sống chưa chắc đã là kết quả.

Trước khi đi Singapore ghép gan, anh có mấy lần điện cho tôi và có lần tôi động viên rằng nhân sinh giống như ngâm nước, càng kinh hoảng, càng lo sợ, càng liều mạng giãy dụa, cái chết càng đến gần. Do đó, gặp những trường hợp như thế cần phải bình tĩnh điều chỉnh trạng thái của mình nhằm ứng đối với nguy cơ chung quanh chứ không phải theo sát nguy cơ đối kháng.

Giẫy giụa cũng chết, lo sợ cũng chết, tại sao không bình tĩnh tìm đường sống trong chỗ chết? Sách Luận ngữ có đoạn Quý Lộ hỏi Khổng Tử về sự chết: “Cảm vấn tử”, Khổng Tử trả lời: “Vị tri sinh, yên tri tử” (Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết?).

Nhà Phật có nói: “Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ“, nhưng như lời chia sẻ của PGS-TS Đinh Thị Cẩm Vân, thì “tử khổ” chưa chắc đã đến với anh.

Trong bài “Sám phát nguyện” của Phật giáo có đoạn: “Khi mạng gần chung/ Biết trước giờ chết/ Thân không bệnh khổ/ Tâm không tham luyến/ Ý không điên đảo/ Như vào thiền định/ Phật và Thánh chúng/ Tay nâng kim đài/ Cùng đến tiếp dẫn/ Trong khoảng một niệm/ Sinh về Cực Lạc/ Sen nở thấy Phật/ Liền nghe Phật thừa/ Chóng mở Phật tuệ/ Khắp độ chúng sinh/ Trọn Bồ-đề nguyện“.

Tôi nghĩ và hy vọng như vậy.

Vĩnh biệt PGS-TS Bùi Mạnh Nhị, người bạn của một thời.

PGS-TSKH-NGƯT BÙI MẠNH NHỊ

Sinh năm 1955. Nguyên quán: Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định.

Nguyên Ủy viên Thường trực Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Huân chương Lao động hạng Nhất.

Từ trần vào hồi 4 giờ 15 phút ngày 5-4-2023 (nhằm ngày 15-2 (nhuận), năm Quý Mão). Hưởng thọ 69 tuổi.

Linh cữu quàn tại: Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 đường Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp.

Lễ viếng bắt đầu lúc 18 giờ ngày 05-4-2023. Lễ truy điệu: 6 giờ 30 ngày 07-4-2023. Lễ di quan: 8 giờ ngày 07-4-2023. Hỏa táng tại Công viên Nghĩa trang Phúc An Viện, quận 9, TPHCM.


VU GIA