Phóng viên: Trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, bà Đặng Thị Hàn Ni từng có đơn tố cáo bà Phương Hằng và bà Phương Hằng cũng có đơn tố cáo bà Hàn Ni. Vấn đề pháp lý phát sinh khi ra tòa bà Hàn Ni và bà Phương Hằng lần lượt vừa là bị cáo vừa là bị hạiBạn đọc thắc mắc một người vừa là bị cáo, vừa là bị hại sẽ bị chồng chéo về quyền và lợi ích hợp pháp, luật sư có thể giải thích rõ hơn về việc này?

– Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ): Bộ Luật tố tụng Hình sự đã quy định rất rõ một người là bị hại, bị cáo hay là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự hay bị đơn dân sự thì quyền lợi của họ sẽ không bị chồng chéo. 

Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tại điều 62 của Bộ Luật này quy định về bị hại có thể là cá nhân, tổ chức bị xâm hại trực tiếp về tài sản, tinh thần và các yếu tố khác được xác định là bị hại.

Bà Hàn Ni bị khởi tố do xúc phạm đến danh dự nhân phẩm nhưng người này cũng có những phát ngôn gây tổn thất về tinh thần đối với bà Hằng.

Còn đối với bị can được quy định tại điều 60 Bộ Luật tố tụng Hình sự là những người bị buộc tội trong giai đoạn điều tra, truy tố. Còn bị cáo theo điều 61 là những người đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án, bị cáo buộc về tội nào đó còn việc xét xử có tội hay không thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử.

Sau đó có bản án, bản án có thể chưa có hiệu lực pháp luật, nếu không có kháng cáo kháng nghị thì lúc đó người đó mới chịu trách nhiệm về bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn

*Như vậy, có trường hợp nào cơ quan điều tra sẽ tách vụ án để điều tra thành 2 vụ án riêng không thưa luật sư?

– Việc khởi tố vụ án để điều tra, truy tố, xét xử đối với bà Hàn Ni tham gia với tư cách vừa là bị hại và bị cáo không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan. Đồng thời, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án một cách toàn diện và không xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị can và ngược lại việc tiến hành điều tra, giải quyết trong cùng một vụ án lại càng đảm bảo theo hướng có lợi khi xem xét hoàn cảnh phạm tội đối với bị can này.

Nhưng nếu cơ quan điều tra nhận thấy cần tách vụ án để điều tra thành hai vụ án riêng biệt và độc lập thì khoản 2, điều 170 Bộ Luật tố tụng Hình sự có quy định việc tách vụ án hình sự để điều tra, truy tố, xét xử riêng. Nếu xét thấy không cần thiết thì giải quyết trong cùng một vụ án để đảm bảo tính toàn diện, khách quan, đó cũng là hướng có lợi của các bên, những người tham gia tố tụng trong vụ án đó.


PHẠM DŨNG – Đồ hoạ: LÊ DUY