Từ xưa ông cha ta đã có câu “Giặc phá không bằng nhà cháy”, nhắc nhở hậu quả khi “giặc lửa” tấn công là vô cùng thảm khốc.

Thời đại văn minh hiện đại, phòng chống cháy nổ luôn được đề cao, bất cứ lãnh vực sản xuất kinh doanh nào, công tác PCCC cũng được đặt lên hàng đầu.

Thế nhưng, cháy nổ vẫn liên tục xảy ra và vụ nào cũng gây thiệt hại tính mạng, tài sản hết sức nghiêm trọng, đặc biệt là các vụ cháy liên quan đến karaoke chiếm tỉ lệ không nhỏ, mà vụ cháy ở Bình Dương ngày 6-9 vừa qua là một minh chứng.

Vậy đâu là nguyên nhân? Theo tôi, trước tiên và quyết định nhất chính là do ý thức chấp hành PCCC của chủ cơ sở kinh doanh kém, khi chỉ quá quan tâm lợi nhuận mà thiếu chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa hoặc có thì cũng chỉ là đối phó chiếu lệ.

32 người đã chết trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương tối 6-9

Về phía cơ quan chức năng, việc kiểm tra các điều kiện về PCCC tại các cơ sở kinh doanh, khu chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng…; đặc biệt là với những cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar… vẫn còn qua loa, chiếu lệ, thậm chí tiêu cực, nên hết đoàn này đến đoàn khác kiểm tra mà cháy nổ vẫn xảy ra.

Nhằm tránh những thảm họa do cháy gây nên, thiết nghĩ nên đặt ngành nghề kinh doanh karaoke, quán bar… vào dạng kinh doanh đặc biệt, có điều kiện để từ đó tiêu chuẩn hóa phòng ốc, phải đảm bảo an toàn cao nhất mới được kinh doanh.

Thân nhân của những nạn nhân trong vụ cháy quán karaoke đang đau đớn chờ nhận diện người thân để đưa về mai táng

Bên cạnh đó, khâu kiểm tra, giám sát phải nghiêm, đi vào thực chất, có hiệu quả nhằm phát hiện ra những sai phạm, thiếu sót qua đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Phải làm thật quyết liệt với các biện pháp hữu hiệu nhất. Không thể sau mỗi vụ cháy, lại bàng hoàng rút kinh nghiệm mà cuối cùng bài học cũ vẫn không thuộc lòng.

Hãy thực sự có ý thức, thực sự quan tâm đến công tác phòng cháy nổ. Đừng để cháy xảy ra rồi mới khắc phục, rút kinh nghiệm. Mạng người là thứ quý giá nhất, nếu đã mất đi rồi thì có làm gì cũng mãi mãi không khắc phục được.


Lê Văn Cải