Ngày 19-12, sau khi VKSND TP HCM đề nghị mức án đối với các bị cáo, các luật sư tham gia bào chữa nêu quan điểm tranh luận.

Trước đó, xác định bị cáo Võ Thị Thanh Mai có vai trò giúp sức tích cực cho chủ mưu Nguyễn Thái Luyện (chồng bị cáo Mai), đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai 30 năm tù (trong đó 20 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 12-14 năm tù về tội “Rửa tiền”).

Bên cạnh đó, VKS còn cho rằng bị cáo Luyện và Mai buộc liên đới bồi thường 2.462 tỉ đồng cho khách hàng, buộc nộp lại 13 tỉ đồng (hành vi phạm tội “Rửa tiền”) cho cơ quan chức năng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Mai không đồng ý với đối với 2 tội danh mà VKS đã buộc tội thân chủ của mình.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại phiên xét xử.

Về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư đề nghị đổi tội danh thành “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai”, với vai trò giúp sức cho bị cáo Luyện.

Luật sư lập luận với vai trò Tổng Giám đốc tài chính trong Công ty Alibaba, bị cáo Mai không tham gia làm việc ngay từ đầu, thành lập công ty. Chỉ sau đó, cụ thể từ năm 2017, do kế toán nghỉ việc nên Luyện mới đề nghị vợ tham gia.

“Bị cáo Mai làm việc trong tâm thế miễn cưỡng, không thích công việc nhưng do chồng cần và nhờ nên mới vào làm. Thực tế, từ khi vào làm bị cáo không nắm rõ cấu trúc, tổ chức, quy trình của Công ty Alibaba và 22 công ty con. Thân chủ của tôi không phải là người ra kế hoạch tài chính vĩ mô về dòng tiền ra vào công ty, cũng không phải là người hoạch định chiến lược dòng tiền trong hoạt động kinh doanh. Công việc chỉ là thu – chi theo chỉ thị của chồng, theo quy trình tại công ty do Luyện đặt ra” – luật sư nêu.

Luật sư nói thêm với vai trò là cổ đông cũng là người đại diện theo pháp luật Công ty Alibaba Law Firm (công ty con của Công ty Alibaba), thực tế bị cáo Mai chỉ tham gia về mặt hình thức, giấy tờ. Mai chưa từng biết các dự án, chưa từng gặp gỡ khách hàng để giới thiệu các dự án cũng không phải là người ký các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng.

Qua đó, luật sư cho rằng thân chủ của mình với tâm thế của một người vợ phụ giúp chồng, không nhận quyền lợi vật chất từ công việc.

“Xét theo khía cạnh văn hoá Á Đông trong mối quan hệ vợ chồng thì hoàn cảnh của thân chủ tôi đáng được thông cảm và thương xót. Vai trò giúp sức của thân chủ tôi không mang tính chất cốt lõi, chuyên sâu, quá trình triển khai công việc mang yếu tố phụ thuộc xuất phát từ sự hy sinh hết lòng của người phụ nữ” – luật sự này nói.

Bên cạnh đó, luật sư còn đề nghị tuyên bị cáo Mai không phạm tội “Rửa tiền”. 

Luật sư nêu một ngày sau khi Luyện bị bắt, do áp lực cần tiền trả nợ vay nóng và chi trả khách hàng có hoàn cảnh khó khăn nên Mai đã nhờ Nguyễn Thái Lực chở đến ngân hàng rút tiền. Do ngân hàng không có sẵn số lượng tiền lớn nên hẹn Mai hôm sau quay lại. Lúc này, Mai đang mang thai, khách gọi quá nhiều nên kiệt sức và đã dùng uỷ nhiệm chi để hôm sau Lực đi rút tiền. Điều này, thể hiện Mai không cố ý chuyển tiền cho Lực, không có ý thức, che giấu, chuyển quyền sở hữu tiền phạm tội mà có.

Đối với đề nghị của VKS rằng vợ chồng Nguyễn Thái Luyện phải liên đới bồi thường cho các bị hại hơn 2.400 tỉ đồng, luật sư đề nghị HĐXX xem xét công nhận 652 thửa đất thuộc sở hữu của Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai. Sau khi cơ quan chức năng thực hiện phát mãi thu tiền chi trả cho bị hại thì phần còn lại sẽ được trả lại vợ chồng bị cáo Luyện để các bị cáo tiếp tục chi trả cho các khách hàng không nằm trong danh sách bị hại.

Trước đó, một trong những lý lẽ mà luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Luyện là “gia đình Luyện có 3 anh em thì cả 3 đều là bị cáo trong vụ án, gia đình vợ Luyện có 2 chị em thì cả 2 đều là bị cáo” – luật sư bào chữa cho Luyện nêu.


Ý Linh – Ảnh: Huế Xuân