Ngày 1-10, lực lượng chức năng huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường rừng thông bị tàn phá để tìm phương án trồng rừng ngay trong mùa mưa năm 2022, tránh tình trạng tái lấn chiếm của các đối tượng phá rừng.

Được biết, khu vực xảy ra phá rừng thuộc lô b, khoảnh 3, tiểu khu 274 A, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

Một cán bộ kiểm lâm cho biết các đối tượng phá rừng đã lợi dụng thời điểm 2 ngày bão số 4 đổ bộ vào Việt Nam, trên địa bàn có mưa to nên đã dùng cưa điện cắt hạ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Thông 3 lá gần 20 năm tuổi bị lâm tặc cưa hạ nằm la liệt.

Tại khu vực trên, gần 200 cây thông có đường kính từ 15 đến 45 cm, khoảng 20 năm tuổi bị lâm tặc cưa hạ vẫn còn ứa nhựa tươi. Tổng diện tích rừng thông bị cưa hạ là khoảng 1.700 m2 đất rừng sản xuất.

Ông Vũ Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, cho biết xác định ban đầu các đối tượng có thể sử dụng máy cưa pin cầm tay không phát ra âm thanh lớn để tránh bị phát hiện. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương khoanh vùng xác định đối tượng vi phạm.

UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương khoanh vùng xác định đối tượng, điều tra xử lý vụ phá rừng thông nghiêm trọng tại tiểu khu 274 (xã Gia Lâm) nói trên.

Một số hình ảnh ghi nhận hiện trường vụ tàn phá rừng thông nghiêm trọng thuộc lô b, khoảnh 3, tiểu khu 274 A, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý.

Hàng trăm cây thông 3 lá bị lâm tặc cưa hạ nằm la liệt.

Rừng thông ngã xuống

Gần 200 cây thông có đường kính lớn vừa bị cưa hạ còn đang tứa nhựa.


Đình Thi