Tiếp đó là Tây Ban Nha (mới đây đã chấp nhận), rồi Cộng hòa Czech và mới nhất là ngày 11-8 có thêm Phần Lan thông báo tạm dừng công nhận HCMM này. Anh và Pháp tuy cho biết vẫn tiếp tục công nhận nhưng lưu ý người mang hộ chiếu phải thường xuyên cập nhật thông tin vì có thể có sự thay đổi. Tuy nhiên, thị thực nhập cảnh (visa) Schengen mà các nước trong khối “không biên giới” này cấp lại không có giá trị đối với các nước trong khối mà chưa chấp nhận HCMM của Việt Nam.

Thực tế, Bộ Công an khi đưa ra mẫu hộ chiếu mới không còn mục “Nơi sinh” như các hộ chiếu trước đây. Bởi Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 không quy định có mục “Nơi sinh” trên hộ chiếu. Ngay cả quy định về hộ chiếu của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) cũng đưa mục “Nơi sinh” là một tùy chọn tùy từng nước quyết định có ghi hay không. Chỉ có điều, ICAO cũng lưu ý các nước nên cân nhắc vì có một số nước cần thông tin “Nơi sinh” trong quy trình xét cấp visa.

Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, hiện vẫn có một số quốc gia như Hàn Quốc, Ả Rập Saudi… vẫn dùng hộ chiếu không có ghi “Nơi sinh”, Nhật Bản, Thụy Sĩ… thay “Nơi sinh” bằng “Nguyên quán” do hộ chiếu của họ thuộc loại “mạnh” và có tích hợp thông tin trong con chip. Tuy nhiên, đa số quốc gia sử dụng thông tin “Nơi sinh” làm yếu tố xác định nhân thân và kiểm tra an ninh khi xử lý các thủ tục hành chính, đặc biệt trong việc cấp visa. Bởi lẽ, nơi sinh là một “thông tin bất biến”, không thể thay đổi như tên họ, giới tính hay nhân dạng và bất luận hộ chiếu do nước nào cấp.

Trong cuộc trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết bộ đã đưa ra giải pháp để xử lý việc hộ chiếu không có mục “Nơi sinh”. Theo đó, sẽ thêm phần Cục Quản lý Xuất nhập cảnh xác nhận “Nơi sinh” vào phần “Bị chú” trên hộ chiếu nếu như người mang hộ chiếu yêu cầu. Về lâu dài, Bộ Công an tham khảo ý kiến các cơ quan chức năng để bổ sung thêm mục “Nơi sinh” vào trang Nhân thân của HCMM.

Nhiều người dân đã đồng tình với giải pháp triệt để và an toàn bền vững là trả lại mục “Nơi sinh” cho hộ chiếu. Việc ghi vào “Bị chú” vẫn cũng chỉ giải pháp tạm thời (hiện đã cấp hơn 270.000 hộ chiếu) và chắc chắn sẽ còn gây bất tiện cho người dân. Chẳng hạn, khi sao chụp hộ chiếu thì ngoài trang nhân thân sẽ phải chụp thêm trang bị chú; hay khi làm các thủ tục online (như xin visa) nhưng chỉ có một khung dành cho bản sao chụp hộ chiếu.

Giải quyết bất cập này chỉ cần chỉnh phần mềm để in thêm mục “Nơi sinh” trên chỗ còn trống bên cạnh mục “Quốc tịch” vào hộ chiếu mà không tốn nhiều kinh phí. Bộ Công an cần chủ trì việc giải quyết, tham mưu cho các cơ quan có liên quan.

Bất luận thế nào, vụ việc “Nơi sinh” trên HCMM là một bài học kinh nghiệm trong quá trình số hóa, hành chính số. Không thể tránh khỏi sai sót, bất cập nhưng khi phát hiện có vấn đề, nơi chịu trách nhiệm cần điều chỉnh kịp thời. Cần khai thác tối đa sức mạnh của công nghệ để xử lý nhanh chóng và hiệu quả.


Anh Phúc