Phóng viên: Thưa ông, vì sao giữa mùa khô nhưng lại có trận mưa “khủng” trút xuống TP HCM đêm 15-4 vừa qua? Đây có phải là dấu hiệu của bất thường trong thời tiết hay không?

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ: Trận mưa xảy ra tại TP HCM cũng như một số tỉnh của Nam Bộ tối 15-4 được đánh giá là trận mưa tương đối lớn. Một số điểm vũ lượng đo được xấp xỉ 100 mm. Tuy nhiên, tháng 4 hằng năm là thời điểm chuyển mùa, từ mùa khô chuẩn bị sang mùa mưa, do đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra những trận mưa to như vậy. 

Nguyên nhân chính của cơn mưa vừa rồi là rãnh áp thấp đi qua khu vực Nam Bộ, trên rãnh áp thấp này sinh ra nhiễu động làm cho hội tụ ẩm của khu vực Nam Bộ và gây mưa. Thậm chí tối hôm qua (16-3) còn xảy ra hiện tượng mưa đá ở Tây Ninh. Về mặt chuyên môn thì chúng tôi phân tích đây là một trận mưa to, rất là hiếm gặp ở tháng 4. Tuy nhiên, trận mưa này cũng không quá bất thường.

Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thông tin về tình hình thời tiết tại TP HCM và Nam Bộ trong thời gian tới 

Phóng viên: Sau trận “mưa vàng” giải nhiệt vừa qua, thời tiết TP HCM trong những ngày tới sẽ như thế nào?

Ông Lê Đình Quyết: Trong những ngày tới đây, mưa ở TP HCM sẽ giảm. Từ đây đến cuối tháng 4 TP HCM sẽ quay trở lại những ngày nắng nóng. Trong đó có những ngày nhiệt độ lên cao đến 37-38 độ C.

Sang tháng 5 trở đi thì mùa mưa bắt đầu chuyển tới, tần suất các trận mưa to sẽ dần thiết lập và xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, nắng nóng sẽ giảm dần về cường độ cũng như là số ngày nắng nóng.

Phóng viên: Còn mở rộng ra toàn khu vực Nam Bộ thì sao, thưa ông? 

Ông Lê Đình Quyết: Sau ngày hôm nay (17-4), mưa sẽ giảm dần và giảm hẳn về thời gian xuất hiện lẫn cường độ mưa. Thay vào đó thì nắng nóng tiếp tục xuất hiện. Nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ sẽ đón đợt nắng nóng tới tương đối mạnh, nhiệt độ có thể lên đến 38, thậm chí là trên 38 độ C.

Các tỉnh Tây Nam Bộ cũng sẽ giảm mưa, nắng nóng xuất hiện. Tuy nhiên đối với các tỉnh này thì cường độ nắng nóng không quá mạnh, nhiệt độ dao động từ 35-36 độ C.

Phóng viên: Trong đợt nắng nóng sắp tới người dân cần lưu ý gì để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt?

Ông Lê Đình Quyết: Đợt nắng nóng tới đây sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người làm việc ngoài trời. Những người làm việc nhiều giờ ngoài trời phải hết sức lưu ý. Không nên làm việc quá lâu ở ngoài trời vì sẽ dễ bị say nắng, cảm nắng. Ngoài ra thì cường độ bức xạ mặt trời trong thời điểm này cũng rất mạnh, có nguy cơ làm bỏng da, cháy da hoặc các bệnh về mắt.

Nắng nóng cũng là nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ, cháy chập điện. Các tỉnh có rừng cũng cần đề phòng để tránh xảy ra cháy rừng.

Thời kỳ chuyển mùa từ mùa khô sang mùa khô cũng khiến thời tiết diễn ra thất thường. Nó sẽ làm xuất hiện những cơn mưa bất chợt, hoặc những cơn dông lốc. Tuy diễn ra và kết thúc nhanh nhưng lại có cường độ và hậu quả rất lớn, người dân cần lưu ý.

Từ nay đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5 thì xâm nhập mặn cũng không mạnh và khắc nghiệt. Tuy nhiên, khu vực Kiên Giang và Cà Mau cần lưu ý độ mặn có thể sẽ xuất hiện ở mức cao.

Phóng viên: Mùa mưa năm nay tại Nam Bộ sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Đình Quyết: Mùa mưa năm nay tại Nam Bộ được nhận định là sẽ đến sớm hơn so với mọi năm ở một số tỉnh. Mùa mưa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc nửa đầu tháng 5. Những tháng đầu mùa mưa năm nay sẽ có tổng lượng mưa lớn hơn so với mọi năm, từ 5-10%. 

Các tháng 7, 8 và 9 mưa xảy ra nhiều và có lượng mưa cao hơn so với mọi năm. Các tháng cuối năm mưa sẽ giảm về cường độ lẫn vũ lượng. Nhìn chung TP HCM cũng như các tỉnh Nam Bộ trong năm nay có lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-10%.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!


Lê Vĩnh. Đồ họa: Ngọc Trinh