Ngày 19-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong một lần phát biểu tại Quốc hội

Về ý kiến đề nghị xem xét quy định điều kiện, số lượng loại nhà ở người nước ngoài được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như bảo đảm an ninh, quốc phòng, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, đây là những ý kiến liên quan đến chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được quy định từ năm 2008 theo Nghị quyết số 19 của Quốc hội và được bổ sung luật hóa tại Luật Nhà ở năm 2014, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

  • Đề nghị rà soát quy định truy cứu trách nhiệm hình sự ban quản trị nhà chung cư

  • Đại biểu Phạm Văn Hòa: Nhiều người nước ngoài núp bóng, thu mua nhiều đất đai

“Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) kế thừa các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, trong đó có quy định điều kiện được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài. Thống kê cho thấy từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, số lượng nhà ở người nước ngoài mua và sở hữu tại Việt Nam không lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu. Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của nhà nước như chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ, thể hiện rõ, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.

Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, liên quan đến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mỗi địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau, do đó việc để UBND cấp tỉnh quyết định tỉ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như pháp luật có liên quan, như pháp luật về ngân sách, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu và sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật theo hướng chỉ quy định tỉ lệ nhất định trong ngân sách địa phương, không quy định tỉ lệ thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Việc quy định dành quỹ đất 20% tại Luật Nhà ở hiện hành có nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn như đã trình bày tại báo cáo tổng kết thi hành luật. Chẳng hạn, như nhu cầu nhà ở xã hội tại địa phương, đặc điểm vùng miền, địa hình, loại hình dự án có thể ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, thậm chí lãng phí nguồn lực đất đai. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi nội dung quy định này là phù hợp, nhằm tháo gỡ những bất cập nêu trên.

Liên quan đến ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng việc xác định cụ thể về tỉ lệ quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng.

Quy định về lợi nhuận định mức 10% chỉ đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ bất cập hiện nay là lợi nhuận định mức được tính chung cho toàn bộ dự án. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã quy định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội có tính đến các chi phí hợp lý, hợp lệ khác của doanh nghiệp là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Mặt khác, chủ đầu tư cũng được hưởng ưu đãi phần diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận của phần diện tích này. Như vậy về tổng thể chủ đầu tư có thể có lợi nhuận lớn hơn 10% lợi nhuận định mức của cả dự án như quy định tại Luật Nhà ở hiện hành.

Tổng LĐLĐ tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp

Liên quan đến phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng quy định về nhà ở công nhân hiện nay cơ bản giống với nhà ở xã hội bán cho các đối tượng khác như được xây dựng trên đất ở, bán cho đối tượng công nhân và gia đình ở lâu dài, có thể cấp quyền sử dụng đất, được hưởng các hỗ trợ ưu đãi, trình tự đầu tư xây dựng thủ tục mua bán cũng tương tự như nhà ở xã hội. Còn nhà lưu trú công nhân theo dự thảo luật là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê, lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó.

Việc bố trí nhà lưu trú công nhân trên đất dịch vụ khu công nghiệp giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp như thủ tục đầu tư xây dựng rút gọn do đồng bộ với khu công nghiệp; chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành nhà lưu trú công nhân sẽ giảm do giảm được chi phí hạ tầng; thuận tiện cho công nhân trong sinh hoạt; tiết kiệm thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông; đảm bảo về môi trường sinh hoạt an ninh, an toàn… và bảo đảm đầy đủ các khu chức năng, không gian phục vụ cho nhu cầu lưu trú bao gồm y tế, sinh hoạt, văn hóa, sân chơi, thể dục thể thao, dịch vụ, tiện ích công cộng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho rằng việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012.


B.H.Thanh – Minh Chiến